Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Công Lý – Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho biết: Bắc Bình là huyện miền núi nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Thuận, với 25 dân tộc sinh sống. Dân số toàn huyện hơn 132.000 người, trong đó đồng bào Chăm là 5.300 hộ/23.189 khẩu, chiếm 15,47% dân số toàn huyện. Có 7 xã vùng đồng bào DTTS, đặc biệt có 3 xã và 2 thôn xen ghép thuần đồng bào Chăm. . .
Năm 2024, đồng bào các DTTS, đặc biệt là đồng bào Chăm đã cùng với Nhân dân trong huyện đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội của huyện.
“Đặc biệt, trong dịp Lễ hội Katê năm nay (ngày 2/10 tới), tại di tích tháp Pô Sah Inư sẽ diễn ra Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật quốc gia đối với Linga vàng của tỉnh Bình Thuận. Việc các di vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận và kết hợp Lễ hội Katê được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là dấu mốc quan trọng, góp phần phát triển du lịch và thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương, nâng cao ý thức ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét văn hóa các dân tộc, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của huyện Bắc Bình và của tỉnh Bình Thuận”, ông Lý chia sẻ thêm.
Ông Ức Viết Cung – Người có uy tín tại huyện Bắc Bình chia sẻ: Katê là Tết cổ truyền của cộng đồng người Chăm theo đạo Bàlamôn, đã tồn tại lâu đời và đậm đà bản sắc nhất trong kho tàng văn hóa dân tộc Chăm. Đây là dịp để con cháu tưởng nhớ về tổ tiên, các vị thần đã độ trì làm mưa thuận gió hòa cho bà con sản xuất được mùa, mọi gia đình được no cơm, ấm áo.
Hằng năm, vào ngày 1/7 Chăm lịch (thường vào cuối tháng 9, đầu tháng 10) Lễ hội Katê của người Chăm được khai diễn và kéo dài trong 3 ngày. Lễ chính được tổ chức tại các đền, tháp Chăm, như tháp Pô Sah Inư, Đền Pô Nít…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh chúc toàn thể đồng bào Chăm nhân dịp Tết Katê 2024 nhiều thắng lợi mới, đoàn kết và gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong cuộc sống. Đồng thời khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác dân tộc. Thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát huy vai trò cũng như thúc đẩy sự phát triển vùng đồng bào DTTS cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trong đó tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, xây dựng đội ngũ cán bộ, phát triển nguồn nhân lực ở vùng đồng bào DTTS số phù hợp với phong tục, tập quán, với điều kiện của từng dân tộc.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, dân tộc Chăm là 1 trong 6 dân tộc có dân số đông nhất nước. Dân tộc Chăm có phong tục tập quán và một nền văn hóa độc đáo. Đảng và Nhà nước đã dành cho đồng bào dân tộc Chăm sự quan tâm đặc biệt, thông qua các chủ trương, chính sách ưu tiên. Đặc biệt là Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh trật tự đối với đồng bào Chăm trong tình hình mới đã hỗ trợ toàn diện cho vùng đồng bào Chăm phát triển.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh mong muốn bà con dân tộc Chăm phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Các vị Chức sắc và Người có uy tín tiếp tục làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương đến với đồng bào Chăm để cho đồng bào thêm hiểu, đồng thuận, thống nhất và tham gia triển khai, nhất là trong các phong trào thi đua như xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, đời sống văn hóa khu dân cư cùng các phong trào thi đua khác của địa phương…
“Tôi mong muốn trong thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân huyện Bắc Bình tiếp tục phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong năm 2024, góp phần xây dựng quê hương Bắc Bình ngày càng giàu đẹp. Tỉnh Bình Thuận và huyện Bắc Bình tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của người Chăm, bảo tồn tiếng nói và chữ viết của người Chăm”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Dịp này, Đoàn cũng tham quan Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận tại huyện Bắc Bình. Tại đây, Đoàn xem các Nghệ nhân tiêu biểu người Chăm biểu diễn nghệ thuật làm gốm, dệt thổ cẩm, trình bày các nhạc cụ người Chăm…
Trò chuyện với các Nghệ nhân làng Gốm Chăm truyền thống Bình Đức, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh chia sẻ: Các Nghệ nhân phải quyết tâm gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông để lại.
“Muốn làng nghề truyền thống tồn tại thì phải truyền nghề cho thế hệ trẻ. Còn muốn làng nghề phát triển thì phải nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm phải đa dạng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Chính quyền địa phương cũng phải đồng hành với Nghệ nhân, hỗ trợ và tìm cách đưa sản phẩm ra thị trường để người làm nghề sống được với nghề”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT gợi mở.
Nhân dịp Lễ hội Katê năm 2024, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã tặng 9 phần quà cho Người có uy tín và 1 phần quà cho Hội đồng chức sắc Chăm theo đạo Bàlamôn ở huyện Bắc Bình.
Một số hình ảnh hoạt động của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT và Đoàn công tác
Nguồn: https://baodantoc.vn/bo-truong-chu-nhiem-uy-ban-dan-toc-chuc-mung-tet-kate-cua-dong-bao-cham-tai-binh-thuan-1727170859688.htm