Chiều 15/3, Hội Báo toàn quốc 2024 đã tổ chức phiên toàn thể về Diễn đàn báo chí toàn quốc.

Tham dự diễn đàn có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên toàn thể của Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024.

“Thay đổi căn bản tức là tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Nếu thay đổi thành công thì tương lai của chúng ta sẽ nằm phía trên của đường kéo dài, nếu không thì sẽ nằm phía dưới của đường kéo dài này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, không gian mạng bây giờ là trận địa chính, là trận chiến chính của báo chí, thắng hay bại là ở đây. Báo chí không chỉ là lên không gian mạng mà còn là giành lại không gian mạng, tạo ra dòng chủ lưu trên không gian mạng.

Bộ trưởng cho rằng, công nghệ số lấy đi một số việc cũ nhưng cũng tạo ra những việc mới. Do đó, báo chí phải làm những việc mới.

“Đổi mới báo chí nằm ở chỗ báo chí phải làm hơn những gì mình đang làm. Báo chí cần một không gian rộng hơn là đưa tin “ai, cái gì, khi nào và ở đâu”.

Độc giả mong muốn biết những gì ở phía sau qua nhiều tin tức kia. Đó có thể là một sự diễn giải, phân tích hoặc bình luận tin tức. Đó có thể là một cái nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc về trí tuệ, một sự diễn giải thú vị, đầy tính gợi mở, hoặc một giải pháp cho những vấn đề của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.

Các lãnh đạo Trung ương và địa phương tham quan gian trưng bày báo chí.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, đổi mới không phải là một việc quá khó. Đổi mới là đi tìm một cách làm dễ hơn cho một việc khó hơn. Cách làm mới đó thường xuất hiện từ một góc nhìn khác, một cách tiếp cận khác. Ở thời đầu của một cuộc cách mạng công nghiệp mới thì cách làm mới thường là làm ngược lại.

Bộ trưởng gợi mở rằng, thay vì viết thì hãy làm nền tảng để mọi người viết. Thay vì để mọi người đọc trên trang web của mình thì hãy để họ đọc trên các nền tảng khác nhau. Thay vì cung cấp thông tin thì hãy cung cấp tri thức. Thay vì tự làm thì hãy hợp tác. Thay vì để phóng viên phải xử lý rất nhiều thông tin thì hãy để họ xử lý những thứ mà rất ít thông tin và để cho AI xử lý rất nhiều thông tin. Thay vì tránh tai nạn thì hãy kiểm soát tai nạn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới.

Theo đó, không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

“Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Đề cập đến những khó khăn và những vấn đề của báo chí gần đây, Bộ trưởng cho rằng khó khăn đó không làm giảm đi vai trò của báo chí như một số người nghĩ, mà chỉ nói lên một điều là báo chí cần phải đổi mới.

Không thay đổi thì sẽ bị thay thế. Công nghệ số, Internet và truyền thông xã hội là những cú huých mạnh mẽ để đổi mới báo chí. Sự đổi mới này sẽ chỉ làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Theo Bộ trưởng, báo chí muốn đổi mới thì phải tìm về và giữ vững những giá trị cốt lõi và sứ mệnh ban đầu của báo chí cách mạng, giữ cái bất biến này để ứng vạn biến. Cái vạn biến này chính là cách mà chúng ta làm báo. Không gian sáng tạo vô hạn của chúng ta là ở đây. Công cụ để thực hiện sự sáng tạo vô hạn đó chủ yếu là công nghệ số.

Bộ trưởng mong muốn các phiên thảo luận tại Hội Báo toàn quốc sẽ có được nhiều đề xuất thiết thực để phát triển báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Báo chí đã đồng hành với sự phát triển của TP.HCM

Tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố vinh dự khi được chọn tổ chức Hội Báo toàn quốc lần đầu tại khu vực phía Nam.

Đánh giá cao vai trò của báo chí, ông Mãi nhận định, báo chí cả nước nhiều năm qua đã vượt qua những khó khăn, trở ngại để phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin ngày càng cao của nhân dân.

“Mặc dù đối mặt với những thách thức không nhỏ trong xu thế phát triển nhanh của mạng xã hội, nhưng báo chí cách mạng khẳng định vai trò truyền tải thông tin chính thống, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và đạt hiệu quả truyền thông xã hội.

Các cơ quan báo chí cũng đang từng bước chủ động xây dựng và phát triển các hình thức mới, nhằm bắt kịp xu thế phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của thời đại bùng nổ thông tin”, ông Mãi nhấn mạnh.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM khẳng định, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã có những đóng góp rất lớn trong tiến trình phát triển của thành phố.

Báo chí đã chuyển tải kịp thời, chính xác những thông tin quan trọng của các cấp chính quyền thành phố, cũng như những phản biện của người dân, doanh nghiệp để chính quyền kịp thời có những quyết sách phù hợp.

“Nhân sự kiện này, Thành ủy, UBND TP trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí Trung ương cùng các địa phương đã đồng hành, chia sẻ với thành phố trong nhiều năm qua. Đặc biệt, báo chí đã đồng hành trong những lúc thành phố gặp khó khăn như đại dịch Covid-19 và những thời điểm có tính chất bước ngoặt như việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố”, ông Mãi bày tỏ.

Trước sự đồng hành của báo chí, ông Mãi cho biết, thành phố đang triển khai nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của báo chí như cơ chế đặt hàng thực hiện truyền thông chính sách; đổi mới giải thưởng báo chí thành phố; khen thưởng đột xuất và khen thưởng các tác phẩm báo chí tiêu biểu hàng quý viết về TP.HCM; xây dựng cơ chế hỗ trợ báo chí chuyển đổi số…

Vietnamnet.vn

Nguồn