Việc tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1.7 là chính sách có tính bao trùm, mang lại sự phấn khởi cho hơn 50 triệu người, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Nhận định trên được Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trao đổi tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 giữa Bộ Nội vụ với các địa phương diễn ra sáng 8.7 tại TP.HCM.
Đánh giá lại kết quả 6 tháng đầu năm, bà Trà cho biết, ngành nội vụ đã nỗ lực quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, phức tạp và mang lại thành công.
Đầu tiên là tham mưu thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách thận trọng, bài bản, đảm bảo yếu tố bao trùm và hiệu quả. Chính sách có hiệu lực từ ngày 1.7, điểm nhấn là mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tương ứng 30%) góp phần tạo nên tâm trạng xã hội vui tươi, phấn khởi, hài lòng.
“Sự hài lòng này là điều mà chúng ta cảm thấy hạnh phúc nhất vì không chỉ khu vực công mà còn hơn 50 triệu người gắn với mức lương cơ sở và các chế độ phụ cấp, trợ cấp xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Quá trình tham mưu chính sách thể hiện sự năng động, linh hoạt, sáng tạo trong việc triển khai chủ trương của Đảng, đáp ứng sự mong đợi của tất cả đối tượng, không để ai bị thiệt thòi trong chính sách về lương, trợ cấp và phụ cấp.
Về tổ chức bộ máy, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, ngành nội vụ đang trực tiếp tham mưu một việc mang tính cách mạng và bước đầu thành công đó là sắp xếp đơn vị hành chính. Đến nay, ngành đã giải quyết căn bản những vướng mắc phát sinh khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021.
Đồng thời, ngành nội vụ cũng đang đẩy nhanh tiến độ đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025. Hiện có 28/53 đơn vị đã hoàn thiện đề án, Bộ Nội vụ thẩm định 14 hồ sơ, trình Chính phủ 5 hồ sơ, tiêu biểu như các địa phương Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Cần Thơ. Sắp tới, Bộ Nội vụ tiếp tục cùng các địa phương tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ hoàn thành trong tháng 9.2024.
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025, có 53 địa phương phải sắp xếp, trong đó cấp huyện có 49 đơn vị, sau sắp xếp dự kiến giảm 12 đơn vị, còn cấp xã sắp xếp 1.247 đơn vị, sau sắp xếp giảm 624 đơn vị.
Sẽ làm việc với địa phương chần chừ sắp xếp đơn vị hành chính
Nêu một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin, sẽ tập trung tham mưu sửa đổi 4 luật: luật Tổ chức chính phủ, luật Tổ chức chính quyền địa phương, luật Công chức và luật Viên chức cùng 10 nghị định liên quan để từng bước ngăn chặn tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh.
Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính, bà Trà nêu rõ địa phương nào không hoàn thành đúng tiến độ sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội. Sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ làm việc với một số địa phương chậm trễ, chần chừ, chưa quyết liệt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Riêng vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận, việc giảm công chức sẽ khó nhưng đối với viên chức thì còn nhiều dư địa thông qua thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công và tăng tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bo-truong-bo-noi-vu-hon-50-trieu-nguoi-huong-loi-tu-tang-luong-co-so-185240708131317138.htm