Những tin vui ấy đến trong cùng một buổi chiều nắng đẹp ở Tokyo – nơi diễn ra một sự kiện với rất nhiều điều đặc biệt – Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam và Nhật Bản.
Đây là diễn đàn quốc gia đầu tiên về lao động tổ chức tại nước ngoài và được tổ chức tại Nhật Bản, nơi có hơn 500.000 người Việt đang sinh sống, làm việc, trong đó có 350.000 người lao động Việt.
Theo chương trình, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Diễn đàn và sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu, Bộ trưởng rời sự kiện, tháp tùng Thủ tướng dự hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Khi cuộc hội đàm vừa kết thúc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ngay lập tức xin phép Thủ tướng quay trở lại Diễn đàn để “mang tới tin vui” để chia sẻ với hàng trăm người lao động Việt Nam tại Nhật Bản.
Tin vui ấy vừa được người đứng đầu Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản thống nhất trong cuộc hội đàm. Đó là quyết định tổ chức thi kỹ năng đặc định tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Thi kỹ năng đặc định, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói đó là “nỗi đau” của ông, khi Việt Nam và Nhật Bản chính thức ký bản ghi nhớ hợp tác về khung pháp lý để triển khai chương trình “lao động kỹ năng đặc định” từ năm 2019, song từ đó đến nay, việc này vẫn chưa được thực hiện.
Lâu nay, Việt Nam dù là quốc gia có số lượng thực tập sinh sang Nhật làm việc lớn nhất, nhưng một nghịch lý đang xảy ra khi lao động Việt phải mất thêm chi phí, bỏ tiền qua Campuchia, Indonesia để thi tuyển sang Nhật làm việc. Con số này tuy không lớn, song vẫn khiến người đứng đầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải trăn trở.
Vì vậy, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật lần này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tận dụng cơ hội trao đổi ngay với Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước bạn Koizumi Ryuji để thúc đẩy giải quyết nút thắt này.
Và nỗ lực ấy đã có kết quả khi lãnh đạo hai nước thống nhất sẽ tổ chức kỳ thi kỹ năng đặc định ngay tại Việt Nam vào thời gian sớm nhất. Mốc thời gian Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến đưa ra là đầu năm 2024.
Bên cạnh đó, để chăm lo cho một bộ phận lao động ở khu vực phi lợi nhuận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam sẽ bỏ kinh phí để tất cả những lao động ở các huyện nghèo chọn đi Nhật, hoặc đi bất cứ quốc gia nào, sẽ được miễn hoàn toàn kinh phí, từ đào tạo, dạy ngoại ngữ, lo thủ tục xuất cảnh tới tạo điều kiện việc làm khi về nước.
Cùng với quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng hợp tác về phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước đạt những kết quả rất đáng khích lệ, thể hiện trên 3 lĩnh vực lớn: Lao động; dạy nghề và giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống an sinh xã hội.
Trong đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh định hướng, Việt Nam tiến tới là quốc gia tiên phong trong an sinh xã hội và việc làm bền vững, để mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong lĩnh vực hợp tác lao động, Bộ trưởng đánh giá, Việt Nam phát triển khá nhanh với khoảng 350.000 lao động người Việt đang làm việc tại Nhật Bản, đứng đầu trong 15 quốc gia có lao động làm việc tại đây.
Nhưng điều đáng mừng không chỉ là sự tăng trưởng về số lượng, mà quan trọng hơn, đó là việc nâng cao về chất lượng khi rất nhiều người sau khi làm việc ở Nhật trở về đã thành ông chủ. Không chỉ có vậy, các lãnh đạo Nhật Bản cũng đánh giá cao vai trò nguồn nhân lực Việt Nam cung cấp cho nước này, cả về số lượng, chất lượng và niềm tin.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vừa qua Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp tổ chức tọa đàm với những người lao động từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… trở về, để lắng nghe từng người nêu ý tưởng.
Bộ trưởng Dung và Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng KH&ĐT đã nhất trí sau diễn đàn ở Nhật Bản sẽ nghiên cứu có chính sách riêng cho những người đi lao động nước ngoài về và có nhu cầu khởi nghiệp.
Nhắc đến con đường từ đi làm thuê để về phấn đấu làm chủ, Bộ trưởng Lao động cho biết thực tế đã có những người thành công. Có người chưa thể làm chủ, nhưng chắc chắn cũng trưởng thành hơn rất nhiều, đặc biệt là những thanh niên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của những huyện nghèo nhất của vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai…
Nhắc đến câu chuyện tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu chất vấn đề cân đối nguồn lực trong và ngoài nước cũng như chăm lo, bồi dưỡng lực lượng lao động dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh “đây là công việc cần rất nhiều sự kỳ công”.
“Phải chăm lo thực sự, coi những lao động đó như con như em mình, vừa dạy vừa cầm tay chỉ việc, vừa dỗ dành, vừa dạy kỹ năng, dạy văn hóa và tác phong công việc, để các cháu hội nhập, từng bước thích nghi môi trường mới”, Bộ trưởng chia sẻ.
Điều quan trọng, theo ông, khi lao động trở về không chỉ có tiền, mà có nhận thức mới, đó mới là điều đáng quý hơn cả.
Thời gian tới, Bộ trưởng Lao động định hướng cần đưa hợp tác về lao động lên tầm cao mới, chuyển sang chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao.
“Đã đến lúc Việt Nam cần giảm mạnh việc đưa lao động không có tay nghề, kỹ năng hoặc có trình độ thấp đi làm việc ở nước ngoài”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quán triệt.
Bộ trưởng Dung phân tích bối cảnh Việt Nam hiện nay, nguồn lao động trong nước không còn dồi dào, doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhu cầu rất lớn về nhân lực.
Bên cạnh đó, ngoài những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam còn hướng đến nhiều thị trường khác như Canada, Đức, Rumani, Úc, New Zealand…
Vì vậy, phương châm Việt Nam hướng đến là tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp làm ăn chính đáng. Việt Nam và Nhật Bản thống nhất, nếu nghiệp đoàn của Nhật không sòng phẳng thì phải xử lý, doanh nghiệp Việt Nam làm ăn không chân chính cũng tương tự.
“Vừa qua, chúng tôi xử lý rất nhiều doanh nghiệp vi phạm, đình chỉ nhiều, thu hồi giấy phép và chuyển cơ quan điều tra cũng nhiều. Có những doanh nghiệp từng nhận huân chương vẫn bị thu hồi. Doanh nghiệp thậm chí đòi kiện, nhưng tôi nói cứ kiện, tinh thần là phải minh bạch”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kể.
Theo Bộ trưởng, với mỗi doanh nghiệp, thương hiệu và nhân lực là hai yếu tố quan trọng nhất. Nếu nhân lực toàn tâm toàn ý làm việc, chắc chắn doanh nghiệp sẽ thành công. Vị tư lệnh ngành mong doanh nghiệp Việt Nam và nghiệp đoàn Nhật Bản tiếp tục phối hợp khắc phục bất cập, phát huy điểm tốt để tất cả cùng chiến thắng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khi phát biểu tại Diễn đàn hợp tác lao động Việt – Nhật cũng lưu ý, thông qua hoạt động hợp tác với Nhật Bản, Việt Nam cần hướng đi thiết thực, phù hợp thực tế, như tuyển dụng, phái cử lao động có trình độ, kỹ năng; có khát khao học hỏi, kiên trì, vươn lên bắt kịp sự phát triển của thời đại trong những lĩnh vực mới như bán dẫn, công nghệ thông tin.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan chức năng của Nhật Bản và Việt Nam phối hợp, tạo điều kiện sống và làm việc tốt nhất cho lao động Việt Nam nhằm giảm thiểu rủi ro và sự bất bình đẳng, để người lao động an tâm làm việc.
Bên cạnh đó, Thủ tướng mong cơ quan hai nước phối hợp chặt chẽ, khơi thông điểm nghẽn, giải quyết bất cập như miễn giảm thuế thu nhập, thuế cư trú với lao động người Việt.
Với thực tập sinh, lao động Việt Nam, Thủ tướng mong quãng thời gian ở Nhật Bản sẽ là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời mỗi người. Dẫn câu nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, Thủ tướng tin tưởng, những người lao động đi quãng đường dài từ Việt Nam sang Nhật Bản sẽ có sự trưởng thành về mọi mặt, tận dụng tốt cơ hội sống và làm việc tại Nhật, học tập phong cách, thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp của người Nhật, để quay trở về xây dựng đất nước.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí từ góc độ của doanh nghiệp trong lĩnh vực lao động, ông Lê Long Sơn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH ESUHAI Group, nói “rất vui khi nghe những thông điệp từ người đứng đầu ngành lao động, thương binh và xã hội”.
Đây là đơn vị đã có 20 năm hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam sang Nhật Bản.
Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam – Nhật Bản, theo ông Sơn, là một sự kiện “nâng tầm lao động Việt Nam”.
Ông Sơn cũng chia sẻ thực tế có nhiều lao động người Việt sang Nhật có kỹ năng tốt, chất lượng cao, số lượng ngày càng nhiều, và nhiều người dần trưởng thành, sau khi đi lao động ở Nhật đã về nước làm chủ, làm quản lý.
Với việc lãnh đạo hai nước quyết định sẽ sớm tổ chức kỳ thi kỹ năng đặc định tại Việt Nam, ông Lê Long Sơn cho rằng đây là một “tin vui lớn” với người lao động Việt và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lao động, giúp người lao động giảm chi phí và thủ tục, nâng cao cơ hội được làm việc ở những thị trường tiềm năng.
Trước đây, khi kỳ thi kỹ năng đặc định chưa được tổ chức ở Việt Nam, ông Sơn cho biết, nhiều người lao động muốn sang Nhật làm việc nhưng luôn có tâm lý bất an khi phải bỏ chi phí sang nước khác thi. Vậy mà việc thi này cũng “không có gì đảm bảo” vì thực hiện qua trung gian, dễ phát sinh thêm chi phí, tiêu cực.
Vì vậy, việc tổ chức kỳ thi này, theo ông Sơn, phải do cơ quan Nhà nước quản lý và có sự kiểm soát để tránh phát sinh tiêu cực.
Đại diện doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản sớm tổ chức kỳ thi kỹ năng đặc định đảm bảo chất lượng và công khai mọi thông tin để người lao động được biết.
Ông Sơn kỳ vọng trong bối cảnh Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, có nguồn lao động dồi dào, mọi việc sẽ thuận lợi, nâng tầm được chuyên môn, kỹ năng, đưa được nguồn nhân lực trẻ, có trình độ, có kiến thức sang Nhật học hỏi, lao động để sau này trở về xây dựng đất nước.
Thực tế, doanh nghiệp và ngành công nghiệp, dịch vụ của Nhật Bản mong đợi tiếp nhận nguồn nhân lực Việt Nam không chỉ là lao động giản đơn, mà còn là những nhân sự có chuyên môn, kiến thức, ý thức tác phong tốt.
Vì vậy, cần chú trọng đào tạo và trang bị cho người lao động tư duy “lấy ngắn nuôi dài”, vừa làm vừa học để nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực ngoại ngữ, kỹ năng làm việc, kỹ năng quản lý… Ông Sơn cho rằng việc này sẽ giúp người lao động phát triển nghề nghiệp tương lai.
Lãnh đạo ESUHAI Group kỳ vọng Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, bởi chính nguồn nhân lực này sẽ góp phần vào sự phát triển của Nhật, qua đó cùng chung tay xây dựng một Việt Nam phát triển và một Nhật Bản phồn vinh.
Ông Trần Thanh Lương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quốc tế (TIC), cũng chung cảm nhận phấn khởi sau khi dự một diễn đàn về hợp tác lao động với rất nhiều điều đặc biệt.
TIC là công ty có chức năng cung ứng nguồn nhân lực với kinh nghiệm hoạt động gần 20 năm, trong đó thị trường cung ứng chính là ở Nhật Bản. Đến nay, công ty này đã đưa hàng nghìn lượt thực tập sinh sang Nhật thực tập kỹ thuật.
Theo ông Lương, trong quá trình tổ chức hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, quy trình tuyển chọn nguồn lao động là khâu vô cùng quan trọng. Nếu thực hiện tốt công tác này ngay từ đầu sẽ có được những hạt giống nhân lực tốt, làm tiền đề thực hiện các công tác tiếp theo, nhằm cho ra đời những nhân tố thực sự chất lượng.
Thực tế, ông Lương cho rằng, khó khăn trong công tác tuyển nguồn lao động đã xảy ra khi suy thoái kinh tế chưa có sự hồi phục sau đại dịch Covid-19, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã lâm vào tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Để không lỡ “chuyến tàu phục hồi” sau giai đoạn này, lãnh đạo TIC đưa ra nhiều kiến nghị.
Trước hết, ông nhấn mạnh, cần nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp phái cử để tạo niềm tin cho người lao động khi lựa chọn doanh nghiệp đưa đi, trên cơ sở hoạt động theo đúng quy định của pháp luật hai nước.
Bên cạnh đó, cần yêu cầu doanh nghiệp phái cử áp dụng triệt để quy định của pháp luật, quy tắc do các tổ chức hiệp hội đưa ra, cam kết tuyển chọn lao động dựa trên tiêu chuẩn khách quan và theo yêu cầu của người sử dụng lao động nước ngoài.
Với các cơ quan Nhà nước, ông Lương kiến nghị tăng cường công tác thanh kiểm tra, sàng lọc những doanh nghiệp không đủ điều kiện hoạt động.
Đặc biệt, cần sớm đưa ra chế tài mạnh để ngăn chặn tình trạng tổ chức, cá nhân không có chức năng tham gia vào quá trình tuyển lao động và thu phí; tổ chức chiến dịch tuyên truyền để người lao động chọn đúng kênh hợp pháp đi làm việc ở nước ngoài thay vì phải qua khâu trung gian, dẫn dắt bên ngoài.
Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản chính thức bắt đầu kể từ năm 1992, thông qua tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.
Đến nay, tổng số lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản khoảng 350.000 người. Việt Nam hiện là quốc gia phái cử nhiều nhất trong số 15 quốc gia tham gia phái cử lao động sang Nhật Bản.
Nhân lực Việt Nam được đánh giá rất cần cù và có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Nhật Bản hiện nay.