Để nông nghiệp hữu cơ phát triển đúng tiềm năng, chuyên gia cho rằng cần bổ trợ thêm tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để hiện đại hóa sản xuất.
Nhìn nhận nông nghiệp hữu cơ đang phát triển rất nhanh chóng, tuy nhiên trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Tọa đàm “Chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ cần thêm sự trợ lực”, PGS.TS Trần Thị Ba, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) cho rằng, hiện nay cách hiểu và cách làm nông nghiệp hữu cơ chưa được bà con nông dân xác định đúng.
Do đó, cần phân biệt rõ giữa nông nghiệp hữu cơ và canh tác hữu cơ. Trong đó, nông nghiệp hữu cơ là khái niệm lớn, bao trùm cả vấn đề canh tác. Đây là một hệ thống quản lý nông nghiệp tránh sử dụng hóa chất, giảm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí.
“Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ đơn thuần là nền nông nghiệp không chất hóa học mà phải dựa trên cơ sở sử dụng các chu trình sinh học có trong tự nhiên, kết hợp với nông nghiệp truyền thống, có sự đổi mới và ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tối ưu hóa sức khỏe và môi trường”, PGS.TS Trần Thị Ba lý giải.
Theo TS Trần Thị Ba, canh tác hữu cơ phải tuân thủ phương pháp “5 không”: Không sử dụng phân bón hóa học; không sử dụng thuốc BVTV hóa học; không sử dụng thuốc trừ cỏ; không sử dụng chất kích thích sinh trưởng; không sử dụng giống biến đổi gen. Thay vào đó là giải pháp tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, hướng theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Nhất là chú trọng sử dụng nguồn nguyên vật liệu tại chỗ để sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Ngoài tập trung vào quy trình canh tác, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ để tạo ra năng suất, giảm tổn thất cũng cần được quan tâm.
Hiện nay, tại ĐBSCL phổ biến vẫn là việc ứng dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh để cải thiện đất trồng. PGS.TS Trần Thị Ba cho rằng cần bổ trợ thêm khoa học kỹ thuật, công nghệ để hiện đại vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Đơn cử, việc canh tác truyền thống phải kết hợp với hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất.
Việc ứng dụng này cần tiến hành nhanh chóng trong tất cả các khâu từ làm đất, gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản… Từ đó giúp bà con nông dân chủ động trong canh tác, giảm thất thoát, tránh được một số nguy cơ làm giảm chất lượng hoặc mất an toàn trên nông sản.
Hiện nay, đã xuất hiện nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, nếu được khuyến khích ứng dụng rộng rãi sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ví dụ thiết bị bay không người lái đang phổ biến ở những cánh đồng trồng lúa, hay công nghệ tài chính phục vụ cho trang trại giúp bà con nông dân có thể ngồi tại chỗ vẫn có thể thực hiện vay tiền, thanh toán, bảo hiểm…
Áp dụng công nghệ sinh học để sản xuất hạt giống ưu thế lai cũng là yếu tố được PGS.TS Trần Thị Ba xác định rất quan trọng và cần thiết trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Giống như nhiều tiêu chuẩn phát triển nông nghiệp khác như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ trong quá trình vận hành sẽ có những khó khăn do trong quá trình canh tác đòi hỏi tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, không hóa chất.
Tuy nhiên, nếu ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung có những công trình nghiên cứu sâu hơn về công nghệ sản xuất thiên địch, chế phẩm sinh học để hạn chế tác động của hóa chất tới cây trồng sẽ tạo thuận lợi hơn cho nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh đó, môi trường sinh thái và trên từng giống cây trồng dịch hại cũng khác nhau. Vì thế, các địa phương cần đầu tư nghiên cứu, hoàn chỉnh để quy trình canh tác hữu cơ khi triển khai sẽ có hiệu quả hơn, tăng niềm tin cho bà con nông dân.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/bo-tro-khoa-hoc-cong-nghe-hien-dai-hoa-san-xuat-nong-nghiep-huu-co-d389867.html