Dự cuộc họp về phía Bộ TN&MT có lãnh đạo Cục Địa chất Việt Nam, đại diện lãnh đạo Cục Khoáng sản Việt Nam và đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ; Về phía UBND tỉnh Bình Thuận có đại diện lãnh đạo Sở TN&MT và Văn phòng UBND tỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất điều chỉnh đưa ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích là 38.830 ha, trong đó, diện tích 28.200 ha đã được đề xuất theo Công văn số 4918/BTNMT-ĐCKS ngày 23/8/2022 và diện tích đề xuất bổ sung đưa ra khỏi khu vực dự trữ là 10.630 ha (gồm 3.945 ha thuộc khu vực dự trữ 70 năm và 6.685 ha thuộc khu vực dự trữ 50 năm); theo đó, tổng diện tích tiếp tục khoanh định dự trữ là 43.870 ha.
Ông Phan Văn Đăng lý giải, tỉnh cần thêm không gian để phát triển và thu hút các dự án có quy mô rất lớn (cấp công trình đặc biệt, cấp 1, với thời gian sử dụng đất lâu dài hoặc theo vòng đời dự án) ở vùng ven biển, có điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, để tạo thành hạt nhân, động lực phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh, nhưng phần lớn các khu vực ven biển của tỉnh đều nằm trog khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Đối với thời gian dự trữ khoáng sản, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị điều chỉnh thành: 37.915 ha thời gian dự trữ 50 năm và 5.955 ha thời gian dự trữ 70 năm.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết: Theo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản đến nay, quặng titan sa khoáng phân bố trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có diện tích khoảng 1.100 km2 (chiếm khoảng 13% diện tích tỉnh Bình Thuận), với tổng tài nguyên, trữ lượng quặng titan đã điều tra, đánh giá khoảng 570 triệu tấn (chiếm 92% tổng tài nguyên khoáng sản titan của Việt Nam).
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023, tổng diện tích 18 khu vực quặng titan tại tỉnh Bình Thuận được huy động vào Quy hoạch khoáng sản là 16.050,4 ha với tổng trữ lượng, tài nguyên huy động vào Quy hoạch khoáng sản là 124 triệu tấn khoáng vật nặng.
Như vậy, tài nguyên quặng titan đã biết tại tỉnh Bình Thuận chưa được xem xét huy động vào Quy hoạch thăm dò, khai thác là rất lớn, cần được xem xét khoanh định vào khu vực dự trữ để quản lý, bảo vệ, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian dự trữ nhằm phát huy tối đa nguồn lực, nhất là đất đai trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, vừa quản lý chặt chẽ tài nguyên, khoáng sản dự trữ.
Đối với đề nghị của tỉnh Bình Thuận, Bộ TN&MT đã có Công văn số 5407/BTNMT-ĐCVN ngày 11/7 lấy ý kiến của 8 Bộ theo quy định tại Nghị định số 51/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Đến nay, Bộ TN&MT, Cục Địa chất Việt Nam đã nhận được ý kiến của 8/8 Bộ. Về cơ bản, các Bộ cho rằng việc điều chỉnh ranh giới và thời gian dự trữ các khu vực dự trữ khoáng sản titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cần đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.
Trong đó, liên quan đến việc điều chỉnh ranh giới khu vực dự trữ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Quốc phòng thống nhất với phương án đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận về việc điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch dự trữ khoáng sản titan, diện tích khoảng 10.630 ha tại địa bàn các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết.
Cục trưởng Trần Bình Trọng cho biết: Theo kết quả rà soát, khu vực 10.630 ha UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị không khoanh định dự trữ là khu vực tập trung quặng titan-zircon trong tầng cát đỏ với chiều dày thân quặng lớn (từ 63m đến 120m, trung bình 91m); hàm lượng khoáng vật nặng từ khoảng 0,5% đến 0,6%, trung bình gần 0,6%; với tổng tài nguyên hơn 90 triệu tấn (chiếm 22% tài nguyên dự trữ thuộc tỉnh Bình Thuận và chiếm 14% tổng tài nguyên titan của Việt Nam). Dự tính giá trị tinh quặng sau tuyển cho 3 khoáng vật Ilmenit, zircon và monazit khoảng 45 tỉ USD. Đây là khu vực có tài nguyên lớn, chất lượng tốt, phù hợp với dự trữ khoáng sản lâu dài.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho tỉnh thu hút đầu tư, phát triển các dự án du lịch, để tạo thành hạt nhân, động lực phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh, Cục Địa chất Việt Nam kiến nghị Bộ TN&MT đề xuất tiếp tục dự trữ đối với khu vực 10.630 ha nêu trên và quy định thời gian dự trữ là 70 năm.Việc điều chỉnh thời gian dự trữ là 70 năm là đủ thời gian để triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực dự trữ này, đồng thời vẫn đảm bảo được mục tiêu dự trữ khoáng sản cho nhu cầu trong tương lai.
Liên quan đến việc điều chỉnh thời gian dự trữ đối với khu vực Lương Sơn III và khu vực giáp ranh (Tuy Phong-Bắc Phan Thiết 1) từ 30 năm lên 50 năm, Cục Địa chất Việt Nam đề xuất Bộ TN&MT kiến nghị giữ nguyên thời gian dự trữ 30 năm đối với phạm vi khu vực Lương Sơn III và khu vực giáp ranh như kết quả tại Tờ trình số 86/TTr-BTNMT (diện tích 79,75 km2; tài nguyên 82,492 triệu tấn, chiếm 20% tổng tài nguyên dự trữ) để đảm bảo có thể huy động kịp thời vào Quy hoạch khoáng sản kỳ kế tiếp, giai đoạn sau năm 2050.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên nhất trí với các đề xuất của Cục Địa chất Việt Nam, đồng thời khẳng định Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết các đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành nhằm tạo điều kiện cho tỉnh Bình Thuận tháo gỡ điểm “nghẽn” để phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.