Tham gia Đoàn công tác của Bộ TN&MT có Lãnh đạo Vụ Đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Trung tâm Truyền thông TN&MT, Báo TN&MT, Tạp chí TN&MT, Văn phòng Bộ. Về phía tỉnh Hậu Giang có lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Ban Giám đốc và lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở TN&MT, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố.
Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ TN&MT, đại diện UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 27/11/2023, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và Luật Đất đai số 31/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ năm ngày 18/01/2024, có hiệu lực từ ngày 01/8/2024. Theo đó, Bộ TN&MT đã chủ trì tham mưu Chính phủ ban hành nhiều Nghị định quy định chi tiết điều, khoản được giao trong Luật và Bộ cũng đã trực tiếp ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn thi hành. Nhìn chung, Luật Đất đai 2024, Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được ban hành với nhiều nội dung mới, có tính đột phá sẽ là bước tiến mới, tạo dựng hành lang pháp lý hoàn thiện và đầy đủ hơn trong công tác quản lý đất đai và tài nguyên nước trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn Hậu Giang nói riêng.
Qua thực tế triển khai áp dụng các quy định của Luật Đất đai năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua, bên cạnh những mặt thuận lợi thì địa phương cũng đang gặp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định về kế hoạch sử dụng đất 05 năm cấp tỉnh; thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác; chuyển nhượng dự án có sử dụng đất; giao đất thành nhiều đợt trong cùng một dự án; chính sách tái định cư, bồi thường đất ở bằng đất ở tái định cư; công tác cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất; xử phạt vi phạm hành chính; xử lý một số bất cập, vướng mắc về điều khoản chuyển tiếp. Còn đối với lĩnh vực tài nguyên nước, tỉnh Hậu Giang cũng đang gặp một số khó khăn trong cấp giấy phép khai thác nước dưới đất đối với giếng khoan dự phòng ứng phó xâm nhập mặn; quản lý các công trình khai thác nước dưới đất để nuôi thủy sản của các hộ gia đình…
Từ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và những ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu đại diện các Sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Hậu Giang; đại diện các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ TN&MT cũng đã kịp thời giải đáp, trả lời cụ thể từng vấn đề khó khăn, vướng mắc của tỉnh Hậu Giang trên cơ sở các quy định của Luật Đất đai 2024, Luật Tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đánh giá rất cao những kết quả mà tỉnh Hậu Giang đã đạt được thời gian qua, trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường, đặc biệt là về lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước; kịp thời xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương; đồng thời, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đã ghi nhận và giải đáp đối với những khó khăn, vướng mắc của tỉnh Hậu Giang hiện đang gặp phải trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Để công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới tiếp tục đạt hiệu quả, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị tỉnh Hậu Giang cần tiếp tục tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của Luật Đất đai năm 2024, Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật nhằm tạo sự thống nhất cao trong triển khai thực hiện, đưa các quy định của các Luật này đi vào đời sống, bảo đảm tính khả thi và tính nghiêm minh của pháp luật.
Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cần tập trung xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024, Luật Tài nguyên nước 2023 thuộc thẩm quyền của địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất đai nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; đẩy mạnh chuyển đổi số ngành TN&MT tỉnh; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên đất đai và bảo vệ môi trường; tiếp tục quan tâm bố trí biên chế cho ngành TN&MT tỉnh để đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực tài nguyên nước, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cũng đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước phù hợp với kịch bản nguồn nước nhằm chủ động nguồn nước cho các hoạt động sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh; đồng thời, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; chủ động phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra…
Thay mặt chính quyền địa phương, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã gửi lời cảm ơn Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cùng Đoàn công tác của Bộ TN&MT đã có buổi làm việc với địa phương; đồng thời, ông Đồng Văn Thanh cho biết, các ý kiến góp ý của Thứ trưởng Lê Minh Ngân và các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT tại buổi làm việc hôm nay đã giúp tỉnh Hậu Giang tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai và quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
“Hiện nay, tỉnh Hậu Giang đang tập trung triển khai nhiều công trình, dự án quan trọng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục tăng cường triển khai các nhiệm vụ, giải pháp quản lý đất đai, tài nguyên nước theo quy định của pháp luật. Tỉnh Hậu Giang cũng mong muốn Bộ TN&MT tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn cho tỉnh thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên nước, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh ngày càng phát triển nhanh và bền vững” – ông Đồng Văn Thanh cho hay.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/bo-tn-mt-lam-viec-voi-tinh-hau-giang-ve-dat-dai-va-tai-nguyen-nuoc-379955.html