Có một thời bãi biển Nha Trang được mệnh danh là miền thùy dương cát trắng với sự hoang sơ, dịu dàng đầy thơ mộng. Bãi cát chỉ chạy một đoạn ngắn từ Lầu Ông Tư tới ngã ba đường Tuệ Tĩnh là dừng lại, nhường cho rặng dương và trảng cát hoang vắng. Ở đó, có nhiều đoạn mọc đầy những vạt rau muống biển xanh biếc lan từ bờ tới chân sóng, cùng với đó là bìm bìm và tigôn hồng rực bời bời rung rinh với nắng và gió biển… Với tôi, đó là một miền tuổi thơ bên bờ biển thật dạt dào cảm xúc, lưu luyến cho đến tận hôm nay khi nhớ về miền biển xưa quê hương.
Ngày đó, UBND tỉnh giáp với Lầu Ông Tư – sau giải phóng là nhà khách Công an – tạo thành một vòng cung bãi cát đầy hoang sơ. Nơi đây, tigôn, bìm bìm mọc bạt ngàn phủ kín bờ rào của UBND tỉnh tới tận Lầu Ông Tư; dưới bãi cát, rau muống biển mọc thành thảm xanh ngút ngát mênh mông. Trẻ con xóm Cồn, chợ Đầm thường hay lang thang ra đây chơi và coi đây như một miền tuổi thơ của mình. Chúng tôi hồi đó chưa biết ý nghĩa của hoa tigôn huyền thoại trong thơ ca nhưng bờ rào chi chít hoa phớt hồng này có bao nhiêu “bạn” thích thú ẩn nấp: Cánh cam, bọ dừa, cào cào, bọ ngựa… Mỗi lần ra chơi, chúng tôi đều tìm trong lá, trong hoa để bắt những con côn trùng chơi hay đem về nhà nuôi. Đám con gái thì ngắt dây làm băng đô hoa đeo lên đầu làm công chúa. Dạo rặng tigôn chán, lũ trẻ còn vạch rào chui vào vườn để nhặt những quả lêkima chín rơi khắp vườn đem ra bãi biển bẻ ăn; hay ra bãi muống biển lăn lóc đầy thích thú. Muống biển mọc hoang như thảm xanh mát rượi, cứ ánh nắng lên hoa nở tím ngát lấp lánh. Chúng tôi đùa giỡn trên thảm lá, thỉnh thoảng lại thấy từ trong hang cát nhô lên một đầu con dông mốc thếch, mắt nhấp nháy. Gặp người, nó thụp xuống chỉ để lại vài hạt cát vương theo. Có giai đoạn chúng tôi học đi bẫy dông bằng cách đặt thòng lọng có mồi là cào cào hay cọng cỏ chân vịt để trước hang. Bẫy được con nào đem về cho anh chị nướng muối ớt. Thịt dông trắng, dai như thịt gà. Ngày đó biển Nha Trang có rất nhiều dông, chúng ở khắp nơi, nhiều nhất chính là ở thảm muống biển vì đọt muống biển là thức ăn của dông. Cùng với dông có những chú còng gió. Chúng chạy rào rào trên cát rồi lủi dưới thảm lá biến mất làm bọn trẻ vồ theo la chí chóe như trò bắt vịt. Lì lợm, láu cá nhưng những chú còng cũng không thoát được bọn trẻ chúng tôi, buổi chơi nào ra biển đám trẻ cũng bắt về một mớ…
Biển ngày xưa thanh bình hoang sơ từ bãi cát đến chân sóng. Người Nha Trang sáng chiều đạp xe mini, đi xích lô hay lội bộ đi tắm biển. Buổi chiều hay buổi tối, bãi biển thường bán nước mía, cùng hoa quả trái cây làm sẵn kiểu ăn vặt của thời nay. Nhiều người còn nhớ những chiếc xe đẩy chứa các lọ thủy tinh đựng chùm ruột muối, ổi, xoài, cóc gọt cắm cây cùng mực khô để mọi người mua ăn nhâm nhi hóng gió biển.
Bọn nhóc chúng tôi nếu không đi với anh chị, gia đình thì tự tìm ra biển chơi với những miền thiên nhiên xanh thẳm kể trên. Tôi vẫn nhớ khi chơi chán với cây lá trên bãi cát, chúng tôi đi men theo những ghềnh đá Lầu Ông Tư để săn những con tôm ký gửi, những con cua đá xanh biếc hay ốc, sò ẩn trong hang; tha thẩn lội lõm bõm bên chân sóng, tìm bất cứ thứ gì mình thích để đem về chơi đồ hàng với bạn bè. Ngoài những lúc sóng biển êm đềm, ngay cả những khi biển nổi sóng giông bão, chúng tôi cũng ra chơi để ngắm sóng biển hung hãn ngoạm bờ cát nhưng không sao nuốt được rau muống biển. Còn rặng tigôn dù gió vặn bão táp nhưng khi bình yên chúng lại bừng lên rực rỡ với nắng. Khi bão tan, bọn trẻ ra biển càng đông vì bãi biển đầy rác và vô vàn những thứ với trẻ con là đồ chơi: Mẩu xốp, chai nhỏ, đoạn cước xanh hay cành san hô trắng ngần…
Thời gian trôi đi, thế hệ chúng tôi giờ đã lớn, bờ bãi khi xưa cũng khác. Rặng tigôn và thảm muống biển ở trước UBND tỉnh và Lầu Ông Tư cũng biến mất để thành kè đá… Biển tinh tươm hơn nhưng âm hưởng của thiên nhiên ngày nào đã không còn, dù mỗi mùa rêu vẫn theo sóng phủ biếc xanh những cục đá mà bước chân tuổi thơ chúng tôi đã bước năm xưa…
Chúng tôi nhớ những bạn côn trùng thân thương: Cánh cam, bọ dừa, cào cào, bọ ngựa… lấp ló trong rặng tigôn hay những con dông cát lì lợm dưới thảm muống biển… Chúng đã cùng tuổi thơ tôi đi mãi cùng sóng biển thời gian.
DƯƠNG MY ANH