Mới đây, trong góp ý gửi Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, xăng đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có tính chất hạn chế tiêu dùng là Thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường.
Theo cơ quan này, xăng không phải mặt hàng xa xỉ nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này cũng là bảo vệ môi trường. Do đó, họ đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế này với nhiên liệu trong nước.
Đây không phải là lần đầu tiên VCCI có đề xuất như thế này với Bộ Tài chính. Tuy nhiên, cũng nhiều lần, Bộ này không đồng ý, cho rằng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là “phù hợp”.
Bộ Tài chính cho rằng quy định đánh thuế đặc biệt với xăng là phù hợp với mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chưa kể, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cùng với các giải pháp khác thì việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng như hiện nay theo Bộ Tài chính vẫn là phù hợp, góp phần giảm phát thải.
Chi tiết đáng chú ý là gần nhất hồi năm 2023, cũng Bộ Tài chính, khi trả lời VCCI cũng như văn bản trả lời cử tri trên diễn đàn Quốc hội đã nói rằng, việc điều chỉnh mức thuế này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Tuy nhiên, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi cân nhắc, xem xét nhiều yếu tố, trong đó có việc “còn dư địa sử dụng công cụ thuế bảo vệ môi trường” nên đã trả lời là “chưa thực sự cần thiết” và “xin phép Quốc hội cho phép không bổ sung nội dung này”.
Quan điểm và lập trường của Bộ Tài chính về việc không bỏ thuế cần được ủng hộ. Bởi bỏ thuế có thể lợi trước mắt cho doanh nghiệp và người dân, nhưng có hại về lâu dài.
Như ý kiến của nhiều chuyên gia trên Lao Động, bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, giá xăng có thể giảm ít nhiều, nhưng đổi lại người dân sẽ sử dụng xăng vô tội vạ, gây ô nhiễm môi trường, thu ngân sách cũng bị giảm.
Điều này còn đồng nghĩa với việc Việt Nam đang đi ngược xu thế xanh cũng như cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế!
Nguồn: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bo-thue-tieu-thu-voi-xang-loi-truoc-mat-nhung-hai-lau-dai-1373422.ldo
Bình luận (0)