Nhiều thành quả
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sát sao trong công tác thực chuyển đổi số của tất cả các ngành, các lĩnh vực; tạo sức lan tỏa trong tất cả hoạt động của đời sống xã hội và bước đầu đã tạo sự thay đổi căn bản trong hoạt động của chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế duy trì 2 năm liên tiếp (2020,2021) vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố về chỉ số đánh giá chuyển đổi, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng từ vị trí số 20 năm 2019 đến vị trí số 6 toàn quốc năm 2022.
Về lĩnh vực thực hiện các tiêu chí đánh giá chuyển đổi số, toàn tỉnh hiện có 204 điểm phục vụ bưu chính, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã xây dựng mạng nội bộ và kết nối internet cáp quang, 100% cán bộ, công chức có máy tính sử dụng.
Tỷ lệ dân số được phủ sóng di động (2G, 3G, 4G) đạt 100% và mạng 5G đang được triển khai thí điểm tại một số vị trí trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ gia đình có băng rộng cố định 80,47%, tỷ lệ người sử dụng internet 79,8%, số thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone là hơn 850.000 thuê bao, 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước được duy trì, kết nối đến cấp xã với mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ khai thác các hệ thống thông tin dùng chung.
Về hoạt động chính quyền số, đến nay hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp đã triển khai đồng bộ và liên thông 4 cấp. Việc này đáp ứng đầy đủ tính năng gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị gắn với việc sử dụng chữ ký số cho 100% các cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp nhà nước có tham gia gửi nhận văn bản. 100% cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đã triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với hơn 2.100 thủ tục.
Ngoài ra, tỉnh đã ban hành kế hoạch cung cấp dữ liệu mở và công bố 111 dữ liệu của 32 cơ quan, đơn vị trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh. Về dịch vụ đô thị thông minh (Hue-S) đã được tái cấu trúc lại thành một một ứng dụng duy nhất, giao diện tương tác theo vai trò với 5 vai trò chính gồm công dân, khách du lịch, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí. Đến nay đã có hơn 50 ứng dụng trên nền tảng Hue-S, với 900.000 người truy cập.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện tỉnh vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số toàn diện cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân trên toàn tỉnh. Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số. Xây dựng hạ tầng số đảm bảo triển khai chính quyền số trong giai đoạn tới; phát triển hạ tầng số phục vụ doanh nghiệp người dân thụ hưởng kết quả chuyển đổi số. Xây dựng, hoàn thiện và triển khai các nền tảng trong phục vụ chỉ đạo điều hành của chính quyền, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhân dân, du khách. Xây dựng lộ trình để hoàn thiện dữ liệu số đầy đủ, chính xác, dữ liệu sống theo thời gian thực. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng cho hoạt động chuyển đổi số. Đào tạo nhân lực đảm bảo triển khai chính quyền số, nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành khu CNTT tập trung nhằm phát triển kinh tế số. Triển khai các hoạt động thúc đẩy xã hội số toàn diện.
Địa phương làm điểm trong cả nước về chuyển đổi số
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao khi Thừa Thiên – Huế luôn là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số và dịch vụ đô thị thông minh, luôn lấy người dân làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông luôn xem Huế là địa phương làm điểm trong cả nước về chuyển đổi số.
Gợi mở một số vấn đề cho tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tỉnh cần làm tốt hơn nữa việc thu hút doanh nghiệp công nghệ số, cần xây dựng môi trường đầu tư cởi mở, minh bạch, có tính đổi mới, có môi trường số, nhất là dịch vụ công trực tuyến hiệu quả.
Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ phối hợp với tỉnh để triển khai các giải pháp hỗ trợ công tác số hóa cổ vật trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy cho các kế hoạch triển khai chuyển đổi số của ngành văn hóa, du lịch của tỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận các kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên – Huế và yêu cầu các Cục, Vụ, các doanh nghiệp công nghệ số phối hợp với tỉnh nghiên cứu “giải các bài toán khó về chuyển đổi số” cho tỉnh. Trong đó tập trung vào các nội dung như các giải pháp để quản lý, giám sát, theo dõi tình hình thiên tai, bão lụt, các vùng thường xuyên sạt lở bằng công nghệ số; thực hiện hệ thống ngầm hóa, chỉnh trang cáp viễn thông trên địa bàn; hỗ trợ giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ và năng lực chuyển đổi số cho công chức, viên chức tỉnh…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng yêu cầu các Cục, Vụ liên quan hỗ trợ tỉnh trong việc truyền thông trên nền tảng số, quảng bá hình ảnh tỉnh Thừa Thiên – Huế; những kết quả nổi bật sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Festival Huế và tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của tỉnh Thừa – Thiên Huế.
“Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng; tích cực lồng ghép văn hóa đọc trong tất cả phong trào như: xây dựng văn hóa, khuyến học…; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất để khuyến khích mọi người tham gia viết sách, đọc sách nhằm tạo ra tác phẩm tốt, làm phong phú thêm nguồn sách”, Bộ trưởng chia sẻ thêm.