Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, công tác cải cách hành chính tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, toàn diện: Nhiều thể chế, chính sách cải cách quan trọng đã được cấp có thẩm quyền thông qua. Cải cách thủ tục hành chính gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công đang được triển khai mạnh mẽ, mang lại nhiều hiệu quả mới, giá trị mới và lợi ích mới cho người dân, doanh nghiệp; nhiều mô hình cải cách mới được thí điểm, áp dụng ở nhiều nơi.
Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy có nhiều chuyển biến rõ nét, đã hoàn thành 27/27 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành Trung ương; 19/19 bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Cải cách chế độ công vụ có nhiều bứt phá với hàng loạt thể chế, cơ chế, chính sách được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Cải cách tài chính công được quan tâm, quản lý chặt chẽ, hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách được tăng cường; nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí được phê duyệt, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số có nhiều chuyển biến, với điểm sáng là thành tựu đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số; các CSDL quốc gia, chuyên ngành được xây dựng, vận hành ngày càng hiệu quả hơn; khung pháp lý tiếp tục được hoàn thiện một bước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến dần đi vào thực chất hơn, người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn,…
Báo cáo cũng chỉ ra những thành tựu đạt được của công tác cải cách hành chính trong năm qua của các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản được định lượng, thể hiện thông qua kết quả điểm, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Từ khi triển khai đến nay, Chỉ số CCHC tiếp tục khẳng định là công cụ quản lý quan trọng, thước đo quan trọng giúp xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong thực hiện nhiệm vụ CCHC của từng bộ, tỉnh; đồng thời, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, với vai trò là Uỷ viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thường xuyên chỉ đạo việc cải cách hành chính là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị – xã hội, nhằm sửa đổi toàn diện hệ thống hành chính nhà nước, giúp cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội tốt hơn trong tình hình mới.
Trong những cuộc họp với các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ phải luôn thường xuyên phối hợp với các đơn vị để rà soát, hoàn thành trình Lãnh đạo Bộ ban hành các Quy trình nội bộ giải quyết TTHC; phối hợp triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch về đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC của Bộ Tài nguyên và Môi trường; phối hợp với Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên, môi trường tập trung phối hợp hoàn thiện, chỉnh sửa, bổ sung, chuẩn hoá các chức năng của Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Hệ thống dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử.