Tham gia buổi làm việc, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Đặng Ngọc Điệp; Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phan Tuấn Hùng; Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường; Phó Cục trưởng Cục Biển và hải đảo Việt Nam Nguyễn Thanh Tùng; Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức; Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Trần Tuấn Ngọc; Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Lê Ngọc Tuấn; Chánh Văn phòng Bộ Phạm Tân Tuyến; Phó Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Nguyễn Tiến Duy.
Về phía phái đoàn cấp cao Hội đồng kinh doanh EU – ASEAN và Hiệp hội doanh nghiệp EU tại Việt Nam có Ông Noel Clehane, Phó Chủ tịch, EU-ABC; Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam; Đại diện của 26 doanh nghiệp EU đang và mong muốn hoạt động tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và Phó Chủ tịch Noel Clehane thống nhất sẽ thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh doanh, đầu tư và thương mại tại Việt Nam nhiều hơn nữa, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội, cũng như các mục tiêu về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là các mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết liên quan đến phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050…
Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Noel Clehane và Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam Jean-Jacques Bouflet cùng một số đại diện phái đoàn Hội đồng kinh doanh Châu Âu – ASEAN mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ và trao đổi các vấn đề liên quan đến Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); định hướng xây dựng thị trường các-bon; định hướng chính sách phục vụ phát triển năng lượng tái tạo; chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ, liên quan đến vệ tinh quan sát trái Đất tự động; sửa đổi Nghị định 08; Quy hoạch không gian biển Quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế biển xanh…
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, những nội dung trên đều là những nội dung mà Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các doanh nghiệp thành viên của Hội đồng và EuroCham cùng ủng hộ, đồng hành cùng với Bộ trong thời gian tới.
Chia sẻ một số nội dung mà các doanh nghiệp quan tâm, về EPR, quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là luôn lắng nghe các ý kiến góp ý để hoàn thiện cơ chế chính sách, trong đó có các quy định về EPR, để đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia đóng góp vào việc tái chế các loại bao bì và sản phẩm thải bỏ, qua đó đóng góp cho bảo vệ môi trường.
Về thị trường các-bon, Việt Nam ưu tiên phát triển thị trường các-bon là công cụ hữu hiệu để giảm phát thải khí nhà kính trong tương lai. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tài chính để thiết lập thị trường các-bon tại Việt Nam. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết luôn mong muốn học hỏi kinh nghiệm phát triển thị trường các-bon tại các quốc gia đi trước của EU. Đặc biệt hy vọng, một số doanh nghiệp là thành viên của Hội đồng và EuroCham như các ngân hàng, các định chế tài chính quốc tế sẽ hỗ trợ, hợp tác với Bộ trong quá trình chuẩn bị thiết lập thị trường các-bon, cũng như xây dựng các cơ chế chính sách về định giá các-bon.
Hiện nay, Việt Nam đã xác định áp dụng các công cụ định giá các-bon sẽ hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Song song với lộ trình thiết lập và vận hành thị trường các-bon nội địa, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao các Bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất quy định và lộ trình áp dụng thuế các-bon tại Việt Nam.
Về phát triển năng lượng tái tạo, để phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng gió ngoài khơi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành việc lập Quy hoạch không gian biển quốc gia trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Bộ trưởng cho biết, Quy hoạch được Quốc hội thông qua sẽ là cơ sở để tiếp tục tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá và xác định các khu vực/vùng cụ thể cho phát triển điện gió.
Về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh hoan nghênh việc các doanh nghiệp thành viên của Hội đồng và EuroCham quan tâm đến việc tham gia JETP. Đây là quá trình chuyển đổi có tác động lớn về mặt kinh tế – xã hội, đòi hỏi nguồn lực tài chính và công nghệ lớn. Với những đối tác mong muốn tham gia cùng Việt Nam, Bộ trưởng giao các đơn vị chuyên môn đánh giá toàn diện để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo có chỉ đạo kịp thời.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng trao đổi thêm những nhiệm vụ về phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ cũng như vận hành vệ tinh VNREDSat-1; về dự án sản xuất lúa gạo phát thải thấp; về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với những nguồn năng lượng sạch; các chương trình sửa đổi các Nghị định kịp thời để báo cáo Chính phủ để sớm ban hành quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp được phát triển…
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng mong muốn, thông qua buổi làm việc ngày hôm nay, phía Hội đồng kinh doanh Châu Âu – ASEAN sẽ đưa ra những chương trình mục tiêu hỗ trợ Việt Nam về nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ để Việt Nam có thể giải quyết được những vấn đề đang gặp khó khăn hiện nay về xử lý rác thải, nước thải; phát triển kinh tế xanh; giúp Việt Nam khai thác, phát huy được các tiềm năng, thế mạnh về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, tài nguyên biển… Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng cung cấp thông tin, trao đổi, đối thoại và luôn đồng hành với EU-ASEAN và EuroCham trong các chương trình phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Noel Clehane cho biết, ông rất ấn tượng với thông điệp của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và cho rằng, thành công của EU-ASEAN và EuroCham phụ thuộc vào sự phát triển của Việt Nam về những mục tiêu xanh, do đó sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về tài chính, nguồn lực, chính sách, khoa học công nghệ để xây dựng những mục tiêu chung của hai bên.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/bo-tai-nguyen-va-moi-truong-va-eu-asean-luon-dong-hanh-trong-phat-trien-kinh-te-xanh-376031.html