(TN&MT) – Chiều 19/10, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì buổi làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông và UBND tỉnh Đắk Nông nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh.
Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Thứ trưởng Trần Quý Kiên, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
Về phía Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông và UBND tỉnh Đắk Nông có các đồng chí: Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ĐBQH Dương Khắc Mai, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông; Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Đắk Nông.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Đắk Nông thông tin tỉnh có tổng diện tích tự nhiên hơn 650.927 ha, có 07 huyện và 01 thành phố; 71 xã, phường, thị trấn.
Theo Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đắk Nông có diện tích quy hoạch khai thác và thăm khoáng sản bô xít rất lớn: 121.000 ha (87000 ha quy hoạch khai thác và 34000 ha quy hoạch thăm dò); chiếm 18% diện tích tự nhiên cả tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông luôn xác định phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm, khai thác bauxite là một trong 3 trụ cột của địa phương.
Tuy nhiên, đây là khoáng sản hết sức đặc thù. Mặc dù diện tích quy hoạch khoáng sản bô xít tại tỉnh Đắk Nông là rất rộng, nhưng trữ lượng huy động và giá trị quặng lại không cao. Trong khi đó, hầu hết hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thẩm định phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở cho nhân dân… tại 6/8 huyện, thành phố của tỉnh và đang bị trì hoãn do chồng lấn quy hoạch bô xít và chưa có giải pháp để thực hiện thủ tục hành chính về khai thác khoáng sản trong khu vực dự án đầu tư xây dựng công trình trên diện tích quy hoạch bô xít theo Điều 64, 65 Luật Khoáng sản năm 2010.
Tỉnh Đắk Nông thông tin, nếu không có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trên mà vẫn giữ nguyên tiến độ triển khai các dự án khai thác bô xít như từ khi có Quy hoạch 167/2007/QĐ-TTg đến nay (hàng năm trung bình chỉ khai thác với diện tích khoảng 100 ha) thì tỉnh Đắk Nông phải mất hàng trăm năm mới khai thác, chế biến hết trữ lượng, tài nguyên bô xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để có quỹ đất không có bô xít nhằm triển khai các dự án đầu tư khác.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị Cục Khoáng sản Việt Nam, Cục Địa chất Việt Nam, Vụ Đất đai; Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai; Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất đã thảo luận tháo gỡ các nhóm vấn đề kiến nghị của Đắk Nông về giải pháp thu hồi, bảo vệ khoáng sản để thực hiện các dự án trên khu vực phát hiện có khoáng sản bô xít. Trong đó đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Địa chất Việt Nam khẩn trương đánh giá tài nguyên, trữ lượng quặng bô xit trong phạm vi 37 dự án địa phương đã cung cấp; Tháo gỡ khó khăn đối với việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong khu vực quy hoạch bô xít.
Đối với dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Đắk Nông cho rằng Bô xít là loại khoáng sản đặc thù, khác biệt so với hầu hết khoáng sản kim loại khác do đó, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng một số điều khoản riêng trong công tác quy hoạch, khai thác, bảo vệ, đóng cửa mỏ và sử dụng đất đa mục đích đối với bô xít để phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Các đại biểu cũng thảo luận để giải quyết tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) do Chính phủ ban hành…
Ngoài ra, Đắk Nông đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất với Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại Quy hoạch 866/QĐ- TTg cho phù hợp với QĐ 326/QĐ-TTg và đảm bảo địa phương phân bổ đất cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội.
Ngoài các nội dung trên, việc triển khai Luật Đất đai năm 2024, địa phương gặp một số vướng mắc và đã báo cáo xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ cũng thảo luận để tháo gỡ nhiều nội dung liên quan đến giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư.
Trên cơ sở những ý kiến của lãnh đạo các đơn vị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đã làm rõ thêm những nội dung chuyên môn để tháo gỡ những vướng mắc cho Đắk Nông. Bên cạnh đó, những vướng mắc liên quan đến nhiều bộ, ngành Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị tỉnh Đắk Nông có báo cáo để Bộ TN&MT trao đổi và xin ý kiến lãnh đạo Chính phủ giải quyết.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao những nỗ lực và sự chủ động vào cuộc để tháo gỡ vướng mắc của Đắk Nông. Với những nội dung kiến nghị được lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT giải đáp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng sau cuộc họp ngày hôm nay địa phương có thể chủ động và yên tâm thực hiện.
Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến của Đắk Nông đề xuất điều chỉnh các nội dung văn bản pháp luật, Bộ TN&MT đồng tình với địa phương và sẽ tham mưu, báo cáo lãnh đạo Chính phủ tháo gỡ cho tỉnh.
Ngoài ra, với những kiến nghị nhằm xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa và báo cáo lại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng như giải trình trước Quốc hội để khi Luật được ban hành sẽ tạo điều kiện thông thoáng hơn, tháo gỡ những vướng mắc mà Đắk Nông nói riêng và các địa phương khác nói chung gặp khó khăn.
Liên quan đến những kiến nghị cụ thể, về lĩnh vực khoáng sản, bên cạnh những ý kiến đã được các cơ quan chuyên môn làm rõ, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị tỉnh Đắk Nông cần bám sát quan điểm phải chế biến sâu, khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến. Những dự án cụ thể phải tập trung nguồn lực dành cho các dự án đầu tư công để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giải ngân vốn đầu tư công.
Trong lĩnh vực đất đai, phải bám sát Luật Đất đai 2024, những vấn đề luật cho làm thì mới thực hiện, những nội dung nào cho chuyển tiếp thì chuyển tiếp, không cho chuyển tiếp thì thực hiện lại quy trình đảm bảo đúng pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ TN&MT sẽ hỗ trợ Đắk Nông trong việc tuyên truyền Luật Đất đai 2024, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật… Bộ trưởng đề nghị tỉnh gửi văn bản đề nghị cụ thể để Bộ trả lời bằng văn bản từ đó tháo gỡ vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai từ đó đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương và bảo đảm quyền lợi của nhân dân.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/bo-tai-nguyen-va-moi-truong-thao-go-vuong-mac-cho-dak-nong-trong-linh-vuc-tai-nguyen-moi-truong-381852.html