ANTD.VN – Theo Bộ Tài chính, có tình trạng lợi dụng chính sách về hàng hóa được miễn thuế với cư dân biên giới, lập danh sách cư dân sau đó gom tiêu chuẩn miễn thuế để nhập các lô hàng lớn rồi bán lại.
Cử tri tỉnh Quảng Ninh vừa có kiến nghị gửi Bộ Tài chính về việc nâng mức hàng hóa được miễn thuế với cư dân biên giới là công dân Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại các khu vực biên giới. Điều này nhằm đảm bảo định mức giá trị hàng hóa miễn thuế tương đương, gần bằng với định mức giá trị hàng hóa được miễn thuế của cư dân biên giới Trung Quốc.
Trả lời, Bộ Tài chính cho rằng vấn đề này phải đánh giá kỹ, cân nhắc.
Theo Bộ Tài chính hiện nay, pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã có những ưu đãi dành cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân biên giới.
Cụ thể, những hàng hóa nằm trong danh mục và định mức dùng cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới sẽ được miễn thuế.
Trường hợp mua bán, vận chuyển hàng hóa trong định mức nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh ở chợ biên giới thì phải nộp thuế.
Cư dân biên giới là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại các khu vực biên giới, người có giấy phép cho cư trú khi mua bán hàng hóa được miễn thuế với giá trị không quá 2 triệu đồng một người một lượt mỗi ngày; và không vượt quá 4 lượt trong 1 tháng đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới do Bộ Công Thương quy định.
Theo đó, mỗi cư dân được miễn thuế với giá trị tối đa 8 triệu đồng một tháng, tương đương 96 triệu đồng một năm.
Định mức miễn thuế cho cư dân biên giới đã cao hơn thu nhập bình quân của người dân ở hầu hết các địa phương biên giới |
Bộ Tài chính cho rằng, định mức miễn thuế này đang cao hơn so với mức thu nhập bình quân đầu người trên tháng của người dân tại hầu hết địa phương thuộc khu vực biên giới có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn như Lai Châu, Điện Biên, Hà Tĩnh, Gia Lai…
Việc thực hiện quy định này trong thời gian qua đã góp phần mở rộng giao lưu thương mại cho người dân hai bên. Tuy nhiên, cũng bộc lộ một số bất cập như khó khăn trong quản lý kiểm dịch, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, phòng chống gian lận thương mại. Đáng chú ý là hiện tượng lợi dụng chính sách ưu đãi, lập danh sách cư dân sau đó gom tiêu chuẩn miễn thuế để nhập khẩu các lô hàng lớn rồi bán lại.
Do đó, hiện Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ để sửa đổi, trong đó, dự kiến giảm định mức miễn thuế và trị giá hàng hóa nhập khẩu theo hình thức mua bán, trao đổi của cư dân.
Ngoài ra, Bộ Tài chính nói, hàng hóa thuộc danh mục mua bán trao đổi đều là những mặt hàng trong nước sản xuất được. Nhà nước có chủ trương khuyến khích người dân dùng hàng hóa nội địa.
Do đó, việc đặt vấn đề nâng định mức hàng hóa miễn thuế có thể khuyến khích cư dân biên giới sử dụng hàng nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, thay vì sử dụng hàng hóa trong nước; đồng thời, ảnh hưởng đến thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu chính ngạch.
Hơn nữa, Bộ Tài chính cũng cho biết, để thúc đẩy xuất nhập khẩu chính ngạch, mức thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với hầu hết hàng hóa tại các hiệp định mà Việt Nam, Trung Quốc là thành viên cơ bản là 0%.
Qua rà soát, thuế suất trong hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc đã hoàn thành nghĩa vụ cắt giảm vào năm 2020. Mức thuế suất trung bình trong toàn biểu chỉ ở mức 2,18%, trong đó, khoảng 90% mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới đang được hưởng mức thuế suất 0%.
“Từ những phân tích trên, việc đặt vấn đề tăng định mức giá trị hàng hóa được miễn thuế cho cư dân biên giới cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ, cân nhắc tổng thể các yếu tố liên quan như nhu cầu sử dụng, thu nhập, mức sống của dân cư biên giới, hạn chế gian lận thương mại” – Bộ Tài chính nêu rõ.