Mang tên “Khơi dậy tinh hoa, nối dài di sản’, bộ sưu tập độc đáo đến từ thượng hiệu lụa DeSilk đã được giới thiệu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào chiều 15/11.
Không chỉ dừng lại ở các thiết kế thời trang, bộ sưu tập “Khơi dậy tinh hoa, nối dài di sản” là sự tôn vinh giá trị văn hoá Việt Nam bằng những sáng tạo nghệ thuật trên lụa.
Màn trình diễn trang phục áo dài và khăn lụa – nơi giao thoa giữa nghệ thuật truyền thống và thiết kế đương đại. (Ảnh: Lê An) |
Đây là một hành trình nghệ thuật kết nối quá khứ tới hiện tại, mang lại trải nghiệm mới mẻ cho những người yêu nghệ thuật và thời trang.
Với những sáng tạo đương đại tinh tế, bộ sưu tập này nhằm tôn vinh các Bảo vật quốc gia, đồng thời đưa chúng vào đời sống hiện đại qua các tác phẩm lụa tinh xảo.
Tại buổi lễ ra mắt bộ sưu tập, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết đây là hoạt động ý nghĩa hướng tới ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11).
Đây cũng là mục tiêu của Bảo tàng để quảng bá, lan tỏa tình yêu nghệ thuật và đưa bảo vật quốc gia đến gần hơn với công chúng, phát huy giá trị văn hóa không chỉ đối với người Việt Nam mà còn với bạn bè trên thế giới.
Tại sự kiện, Ban tổ chức đã mang đến những màn trình diễn trang phục áo dài và khăn lụa – nơi giao thoa giữa nghệ thuật truyền thống và thiết kế đương đại.
Mỗi thiết kế trên nền lụa mời gọi người xem cùng hòa mình vào dòng chảy văn hóa, để cảm nhận sâu sắc tinh thần nghệ thuật Việt Nam qua từng thời kỳ.
Mỗi mẫu thiết kế được chuyển hóa từ các bảo vật quốc gia là kết quả của một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, giữ nguyên tinh thần nghệ thuật từ các tác phẩm gốc, đồng thời thổi vào các thiết kế mới phong cách sáng tạo hiện đại.
Thông qua bộ sưu tập này nhằm kết nối quá khứ và hiện tại, đưa nghệ thuật truyền thống vào cuộc sống đương đại qua các thủ pháp nghệ thuật số tính tế.
Một trong những thiết kết nổi bật là “Huyền thoại” lấy cảm hứng từ tác phẩm Gióng, sơn mài của tác giả Nguyễn Tư Nghiêm. Qua đây, hình ảnh Thánh Gióng mạnh mẽ, sống động được tái hiện qua các mảng màu đỏ, cam và xám bạc, với nền đỏ rực, biểu tượng cho sự uy nghi của người anh hùng dân tộc.
Thiết kế “Song long chầu nhật” lấy cảm hứng từ Cánh cửa gỗ chạm rồng, Chùa Keo, tỉnh Thái Bình – một kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc gỗ thế kỷ 17 được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đây là lời tri ân đến giá trị biểu tượng và kỹ nghệ điêu khắc bậc thầy của nghệ nhân xưa.
Mỗi tác phẩm trong bộ sưu tập là sự tôn vinh đối với những kiệt tác nghệ thuật vô giá của dân tộc. (Ảnh: Lê An) |
Ngoài ra, thiết kế “Tuổi xuân” được lấy cảm hứng từ bức tranh Hai thiếu nữ và em bé của danh họa Tô Ngọc Vân. Tác phẩm này trong bộ sưu tập là một chuyển hóa hiện đại, mang đến cái nhìn độc đáo về vẻ đẹp tự nhiên và sự hài hòa trong thế giới xung quanh. Khác với sự tĩnh lặng mộc mạc của hình ảnh thiếu nữ trong tà áo dài truyền thống.
Chia sẻ về bộ sưu tập, Giám đốc Nghệ thuật Minh Phạm cho biết: “Mỗi tác phẩm trong bộ sưu tập là sự tôn vinh đối với những kiệt tác nghệ thuật vô giá của dân tộc.
Chúng tôi đã chuyển hóa tinh thần của các bảo vật thành những thiết kế đương đại trên nền lụa, tạo nên sự gắn kết mạnh mẽ giữa nghệ thuật trong quá khứ và ngôn ngữ thị giác hiện đại”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bo-suu-tap-lay-cam-hung-tu-cac-bao-vat-quoc-gia-cua-bao-tang-my-thuat-viet-nam-293892.html