(ĐCSVN) – Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về chính sách bảo hiểm thất nghiệp như: mở rộng đối tượng tham gia; linh hoạt mức đóng; sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp…
Sáng 9/11, tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) |
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, so với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn.
Trong đó, với nhóm chính sách quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động; bổ sung quy định về đăng ký lao động; bổ sung quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về dịch vụ việc làm.
Về nhóm chính sách hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết dự thảo luật đã bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên (hiện nay từ 03 tháng trở lên); Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Bên cạnh đó, dự luật cũng sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Mặt khác, dự luật sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp như: chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm…
Với nhóm chính sách phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dự thảo luật đã bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề theo hướng: Quy định về mục đích và nội dung phát triển kỹ năng nghề; Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; Trách nhiệm của người sử dụng lao động, cơ sở giáo dục về phát triển kỹ năng nghề; Hỗ trợ hoạt động phát triển kỹ năng nghề …
Dự luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo hướng: Bổ sung quy định về đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia; sửa đổi quy định về Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; bổi sung mới quy định về công nhận tương đương hoặc miễn đánh giá kỹ năng nghề quốc gia…
Nhóm chính sách cuối cùng được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin là thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững. Theo đó, dự thảo luật sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm theo hướng gồm: Ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội từ chi đầu tư phát triển khác; Nguồn Quỹ quốc gia về việc làm chuyển thành nguồn ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội (để đảm bảo phù hợp quy định Luật Ngân sách nhà nước 2015); Nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; Nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội; Nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời bổ sung quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí vốn ngân sách địa phương bao gồm vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên và nguồn vốn hợp pháp khác, giao UBND cùng cấp ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay giải quyết việc làm.
Ngoài ra, dự kiến Luật Việc làm sửa đổi quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 05 đối tượng như Luật hiện hành), đồng thời quy định đối tượng ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp hơn và quy định đảm bảo tính linh hoạt, chủ động đối với nguồn vốn của địa phương, tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội…/.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/du-thao-luat-viec-lam-sua-doi-bo-sung-nhieu-noi-dung-ve-chinh-sach-bao-hiem-that-nghiep-682769.html