Sáng 28/3 tại trụ sở Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã chủ trì buổi làm việc với Vụ Đào tạo về Báo cáo hiện trạng triển khai Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” và đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Tham dự buổi làm việc có đại diện Vụ Pháp chế, Cục Thể dục Thể thao, Văn phòng Bộ.
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Phương Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo cho biết: Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” (gọi tắt là Đề án 223) nhằm phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng vân động viên tài năng, có năng khiếu đặc biệt ở một số môn thể thao thành tích cao, thế mạnh của Việt Nam đạt trình độ và dành thứ hạng cao tại các kỳ thi đấu khu vực, châu lục, thế giới và Olympic; cá huấn luyện viên tài năng, có trình độ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm, có khả năng đặc biệt trong huấn luyện vận động viên thi đấu đạt thành tích huy chương tại các đấu trường trong nước và quốc tế; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao có trình độ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu của quy trình tuyển chọn, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên tài năng để phấn đấu đưa Việt Nam đến năm 2035 trở thành quốc gia có nền thể thao chuyên nghiệp phát triển ở châu lục.
Chỉ tiêu đào tạo, phấn đấu đến 2035, tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 3700 vận động viên tài năng trong đó có khoảng 400 vận động viên đạt thành tích quốc tế.
Tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng 600 huấn luyện viên. Tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thành tích cao, chỉ tiêu đào tạo khoảng 400 cử nhân, 300 thạc sĩ, 150 tiến sĩ.
Đề án lựa chọn 16 môn thể thao trong số 32 môn thể thao trọng điểm, số lượng các môn thể thao được Bộ VHTTDL xem xét, điều chỉnh, bổ sung định kỳ 2 năm một lần theo chu kỳ SEA Games hoặc tùy vào tình hình thực tế.
Vụ Đào tạo cũng đề xuất, tập trung hoàn thiện, ban hành sớm Hướng dẫn thực hiện Đề án 223; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án, trong đó giao nhiệm vụ cho 2 đơn vị Vụ Đào tạo và Cục Thể dục thể thao cụ thể, rõ hơn để đảm bảo hiệu quả; Tổ chức tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về đề án, tăng cường nguồn tuyển sinh cho đề án, Các đơn vị có kế hoạch bồi dưỡng về ngoại ngữ, giao nhiệm vụ cho giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ… chuẩn bị những điều kiện cần và đủ cho ứng viên đủ điều kiện dự tuyển; Tăng cường công tác phối hợp thực hiện của các đơn vị liên quan theo đúng kế hoạch đã được duyệt…
Phát biểu góp ý tại cuộc họp, ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao, Cục Thể dục Thể thao cho biết, nguồn lực và nhân lực hiện nay đáp ứng đầy đủ, khả thi thực hiện Đề án. Tuy nhiên, nên mở rộng đối tượng tài năng trong Đề án. “Hiện quy định về đối tượng tài năng của Đề án còn khá hạn hẹp. Ví dụ yêu cầu 2 lần huy chương vàng SEA Games liên tiếp thì đối với môn bóng đá nam không khả thi. Cần nới rộng tiêu chí cho vận động viên tiềm năng và có năng khiếu đặc biệt, không nhất thiết là huy chương”- ông Hoàng Quốc Vinh chia sẻ.
Thống nhất với nội dung báo cáo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, việc triển khai Đề án còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo ông Sơn, cần đặt ra nhiệm vụ tổng thể, toàn diện hơn đồng thời rà soát đầu tư cơ sở vật chất để có thể thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, trong thời gian tới, Vụ Đào tạo cần rà soát, hoàn thiện báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Đề án.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung Đề án.
“Trên cơ sở các nhiệm vụ đã thực hiện, cần bổ sung, sửa đổi Đề án trên cơ sở phát huy các nhiệm vụ đã đạt được và khai thác thế mạnh đã và đang có”- Thứ trưởng yêu cầu./.