Sớm sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024 đã làm sáng tỏ bức tranh kinh tế – xã hội của đất nước ta thời gian qua. Song, các đại biểu cho rằng, tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 cũng còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng như, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), nhiều năm qua, chỉ tiêu về tăng năng suất lao động đều chưa đạt như kỳ vọng. Việc cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi với kinh tế Việt Nam hiện nay, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, cần phân tích, làm rõ nguyên nhân hạn chế. Từ đó, đưa ra giải pháp hiệu quả, sát thực tiễn. Chính phủ cần phải có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về tạo việc làm, nâng cao tay nghề.
Một số ý kiến cho rằng, cần ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ; áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi nhằm phát huy vai trò then chốt và động lực của khoa học và công nghệ trong phát triển tế – xã hội; tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, chú trọng lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm quốc gia…
Liên quan đến vấn đề bất cập trong quản lý giá vàng, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng: Hiện nay, giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới. Diễn biến thị trường vàng hiện nay với kiểu “một mình một chợ” đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để phù hợp hơn với thực tế. Do đó, rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý, sửa đổi Nghị định số 24, từ đó giảm giá vàng, phù hợp hơn với giá vàng thế giới.
Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) bày tỏ quan điểm quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng biến động mạnh, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Vì vậy, Chính phủ cần sớm có biện pháp kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, giá vàng, không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân và hoạt độn sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội. Mặt khác, Nhà nước phải điều tiết, kịp thời, hiệu quả thị trường bất động sản, đặc biệt khi thị trường có biến động, xuất hiện dấu hiệu đầu cơ, sốt, bong bóng hoặc bị đóng băng.
Lồng ghép bình đẳng giới trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Cho ý kiến về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) cho biết: Tại tỉnh Hà Giang, việc triển khai chính sách, pháp luật về bình đẳng giới vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử như, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, chính sách pháp luật về bình đẳng giới chưa sâu rộng và thường xuyên, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; việc phân tích, đánh giá tác động về giới và lồng ghép giới trong xây dựng, triển khai các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội còn hạn chế, nhất là việc lồng ghép giới trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Từ thực tế đó, đại biểu Lý Thị Lan cho rằng, rất cần sự chung tay, vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với với các bộ ngành để ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về lồng ghép bình đẳng giới trong chiến lược, chương trình, đề án phát triển kinh tế – xã hội trên các lĩnh vực, để các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn, vận dụng triển khai thực hiện, nhất là trong việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Mặt khác, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện tốt công tác tuyên truyền cũng như sự tiếp cận thông tin của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số.
Đề cập đến vấn đề lao động việc làm, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) cho hay: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp đang rất “khát” nguồn lao động, nhất là các doanh nghiệp lĩnh vực may mặc, gỗ. Bởi, sau đại dịch Covid-19 số lượng đơn hàng của hầu hết các doanh nghiệp đều tăng lên khiến nhu cầu sử dụng lao động tăng đột biến. Trong khi đó, vẫn có nhiều người thất nghiệp. Điều này có thể lý giải rằng, lao động phổ thông ngày càng có xu hướng làm những công việc tự do nên lao động cung ứng cho ngành công nghiệp ngày càng khó khăn hơn. Để giải quyết bền vững cung cầu lao động, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động; các doanh nghiệp có giải pháp nhằm thu hút người lao động quay trở lại làm việc, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Nhi Ý, rút kinh nghiệm từ vụ tai nạn lao động nổ nồi hơi làm 6 người thiệt mạng xảy ra tại Đồng Nai vừa qua, Chính phủ cần phải có đánh giá trong báo cáo về vấn đề an toàn lao động. Đồng thời, có giải pháp căn cơ về nội dung này. Trong đó, nên đề cao công tác thanh, kiểm tra về lĩnh vực an toàn lao động; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn lao động.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đóng góp một số ý kiến xoay quanh nội dung bình đẳng giới. Theo đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới; thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục, nội dung, chất lượng đánh giá tác động giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, dự án. Đồng thời, Chính phủ triển khai có hiệu quả các đề án, chính sách, giải pháp để giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Có giải pháp chính sách kịp thời để giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực già hóa dân số, công nghệ số, thu nhập, việc làm, biến đổi khí hậu…
Một số hình ảnh tại cuộc họp
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/bo-sung-giai-phap-thuc-day-tang-nang-suat-lao-dong-374538.html