Theo PGS. TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, nhằm tôn vinh các nhà báo đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp báo chí cách mạng, Nhà xuất bản đã xuất bản bộ sách Thời gian và nhân chứng (Hồi ký của các nhà báo), gồm 3 tập do Giáo sư Hà Minh Đức làm chủ biên.
Bộ sách là kết quả sự tâm huyết của Giáo sư, nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức và các cộng sự trong hơn 10 năm, ghi lại hành trình nghề nghiệp, những kinh nghiệm làm báo quý báu, những kỷ niệm đáng nhớ của hơn 40 nhà báo có tên tuổi trong báo giới Việt Nam.
Bộ sách bao gồm 3 tập, với hơn 40 bài viết, tập trung khắc họa chân dung các nhà báo gạo cội, thầm lặng đã góp phần tạo nên diện mạo báo chí cách mạng Việt Nam. 43 nhà báo được giới thiệu trong bộ sách Thời gian và nhân chứng, phần lớn trong số đó là những nhà báo hoạt động trong thời kỳ từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 kéo dài qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Tập I bộ sách giới thiệu chân dung của 13 nhà báo: Quang Đạm, Xích Điểu, Tô Hoài, Lê Kim, Trần Kư, Trần Lâm, Trần Công Mân, Vũ Tú Nam, Đỗ Phượng, Hữu Thọ, Xuân Thủy, Lê Bá Thuyên, Hà Xuân Trường. Ở đây mọi người bắt gặp một Quang Đạm học vấn uyên thâm, cống hiến cả đời cho nghề báo, một Xích Điểu với thật nhiều kỷ niệm buồn vui trong hơn 60 năm cuộc đời làm báo.
Hay nhà báo Hữu Thọ với những trăn trở, suy nghĩ về nghề đã được ông đúc rút đó là phải “suốt đời sống với cuộc sống và đề thông tin và đánh giá”… Tất cả đều là những ký giả tâm huyết với nghề, hết lòng với người, đầy bản lĩnh, trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức.
“Xuất bản bộ sách Thời gian và nhân chứng (Hồi ký của các nhà báo), Nhà xuất bản mong góp phần làm giàu thêm kho tàng lịch sử báo chí của nước ta, lan tỏa những giá trị quý báu của báo chí cách mạng đến đông đảo bạn đọc, tri ân những nhà báo đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc”, PGS. TS Vũ Trọng Lâm nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi giới thiệu sách, GS Hà Minh Đức cho biết, khi tôi lên ý tưởng viết hồi ký, một số nhà báo đã chia sẻ với tôi: Viết để làm gì? Viết cho ai đọc? Viết xong rồi in ở đâu? Tôi đã tìm mọi cách trao niềm tin để các nhà báo có tiếng để lại trên đời những giá trị tốt đẹp, tất nhiên gia đình, nhiều mối quan hệ nhưng riêng về hoạt động báo chí hãy để lại kinh nghiệm, việc đó chúng tôi đã làm cộng một số em tham gia đến ghi chép những điều mà các nhà báo nói. Đó là những tư liệu quý báu làm sao để có tập hồi ký của các nhà báo thế kỷ XX.
GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, cuốn sách là những câu chuyện rất quý, được mọi người đánh giá rất cao về ý tưởng cũng như điều kiện khó khăn để thực hiện.
“Việc tiếp cận được với các nhà báo và mời nhà báo viết câu chuyện này, giữ lại kỷ niệm cho thế hệ chúng ta hôm nay và cho mai sau có công rất lớn của GS Hà Minh Đức. Giáo sư là một nhà khoa học lớn, vừa có tâm, có tầm, có nhiều công trình nghiên cứu lớn. Chúng ta rất cám ơn thầy với ý tưởng, công lao ấy để đội ngũ làm báo ở các thế hệ luôn phấn đấu, noi theo”, GS Tạ Ngọc Tấn bày tỏ.