Từ ngày 15/11 tới đây, hình thức giám sát lực lượng chức năng đang thực thi công vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình sẽ được loại bỏ.
Người dân được giám sát CSGT bằng hình thức nào?
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) do Bộ Công an ban hành sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11.
Nội dung đáng chú ý của Thông tư mới đó là Bộ Công an thay đổi quy định về hình thức giám sát của người dân trong công tác bảo đảm TTATGT cũng được thay đổi.
Cụ thể, người dân sẽ được giám sát thông qua 5 hình thức sau: Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.
Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm TTATGT. Việc giám sát phải đảm bảo các điều kiện gồm: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ở ngoài khu vực thực thi công vụ.
Như vậy, từ ngày 15/11 tới đây, hình thức giám sát lực lượng chức năng đang thực thi công vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình sẽ được loại bỏ.
Phạt luật sư đến 30 triệu đồng nếu xúc phạm thẩm phán, kiểm sát viên
Nghị định 117/2024 sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/2020 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã có hiệu lực từ ngày 15/11.
Trong các nội dung được bổ sung so với Nghị định 82/2020, nghị định mới có thêm quy định liên quan hoạt động hành nghề luật sư. Theo đó, từ ngày 15/11, luật sư có thể bị phạt tiền từ 15-30 triệu đồng nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Đây cũng là nội dung đã được quy định tại Điều 15 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Cũng theo Nghị định 117/2024, trường hợp luật sư thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên đối với người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của tòa án, thì bị xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 15 và khoản 3 Điều 21, Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15.
Tăng 15% trợ cấp hàng tháng với quân nhân phục viên, xuất ngũ
Đó là quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11/2024 theo nội dung nêu trong Thông tư 53/2024 của Bộ Quốc phòng về điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ.
Thông tư 53 áp dụng đối với các cá nhân sau:
Quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương.
Quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quyết định về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Với hai đối tượng trên, Thông tư mới sẽ điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2024. Mức trợ cấp hàng tháng sau khi đã được điều chỉnh như sau:
Những quy định mới về lãi suất
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ ngày 20/11 sẽ áp dụng nhiều thông tư quy định về mức lãi suất của tổ chức và cá nhân.
Cụ thể, Thông tư 48/2024 về lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam quy định, lãi suất không được vượt quá lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng trong từng thời kỳ và từng loại hình tổ chức tín dụng.
Thông tư 47/2024 sửa đổi hình thức tiền gửi rút trước hạn từ chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành thành chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng phát hành.
Hay Thông tư 46/2024 về lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ không vượt quá mức lãi suất tối đa được quyết định trong từng thời kỳ với tiền gửi của tổ chức và cá nhân gồm các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức.
Chế độ ăn đối với phạm nhân thay đổi thế nào?
Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/11) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự. Trong đó, nghị định quy định rõ các chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế đối với phạm nhân.
Cụ thể, phạm nhân được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 17 kg gạo tẻ; 15 kg rau xanh; 1 kg thịt lợn; 1 kg cá; 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối…
Ngoài ra, phạm nhân được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không quá 3 lần định lượng ăn trong 1 tháng cho mỗi phạm nhân và phải thông qua hệ thống lưu ký, căng-tin phục vụ sinh hoạt cho phạm nhân của cơ sở giam giữ.
Phạm nhân được cấp: 2 bộ quần áo dài bằng vải thường theo mẫu thống nhất/năm; 2 bộ quần áo lót/năm; 2 khăn mặt/năm; 2 chiếu cá nhân/năm; 2 đôi dép/năm; 4 bàn chải đánh răng/năm; 600g kem đánh răng/năm; 3,6kg xà phòng/năm; 800ml dầu gội đầu/năm…
Riêng phạm nhân nữ được cấp đồ dùng cần thiết cho vệ sinh cá nhân tương đương 2 kg gạo tẻ/người/tháng. Phạm nhân tham gia lao động, học nghề mỗi năm được phát 2 bộ quần áo bảo hộ lao động và dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết khác.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/chinh-sach-moi-tu-thang-11-2024-bo-quy-dinh-ghi-hinh-giam-sat-csgt-192241029215027942.htm