Lầu Năm Góc lên kế hoạch “qua mặt’ Quốc hội nước này để gửi viện trợ quân sự cho Ukraine thông qua biện pháp mua thiết bị quân sự trong gói đã được phê duyệt.
Bộ Quốc phòng Mỹ đang tìm cách “lách luật” để tiếp tục hỗ trợ Ukraine. (Nguồn: dhr.virginia.gov) |
Kênh truyền hình CNN dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 28/2 tiết lộ Lầu Năm Góc lên kế hoạch “qua mặt” Quốc hội nước này để gửi viện trợ quân sự cho Ukraine thông qua biện pháp mua thiết bị quân sự bằng số tiền 4 tỷ USD còn lại được Tổng thống Joe Biden phân bổ cho mục đích này.
Theo nguồn tin từ Lầu Năm Góc, kế hoạch này vẫn chưa được thông qua, nhưng đang được xem xét ngay cả khi không có sự đảm bảo rằng Quốc hội Mỹ cuối cùng sẽ chấp thuận gói viện trợ mới cho Ukraine hay không. Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình khó khăn trên chiến trường, Lầu Năm Góc đang thảo luận về “Kế hoạch B tiềm tàng” khác.
CNN nhận định 4 tỷ USD còn lại từ khoản tài trợ của Tổng thống Biden không thể được phân bổ cho các hợp đồng mới nếu không có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ, song Lầu Năm Góc có quyền sử dụng nguồn dự trữ của quân đội Mỹ để gửi thiết bị quân sự đến Ukraine.
Trước đó, Lầu Năm Góc không dám thực hiện bước đi như vậy nếu không có sự đảm bảo về việc các nhà lập pháp sẽ phân bổ kinh phí bổ sung. Bộ Quốc phòng Mỹ giải thích quan điểm này xuất phát từ rủi ro đối với khả năng phòng thủ của đất nước.
Thượng viện đã thông qua gói viện trợ trị giá 95 tỷ USD, trong đó gồm cả 60 tỷ USD cho Kiev. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa tại Hạ viện tuyên bố từ chối ủng hộ gói viện trợ cho Kiew mới này.
Mỹ dẫn đầu về mức độ hỗ trợ mà các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine. Theo tính toán của Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức), từ tháng 1/2022 đến hết tháng 9/2023, Washington đã phân bổ khoảng 75,4 tỷ USD (0,33% GDP) cho Kiev, trong đó 45,7 tỷ USD là hỗ trợ quân sự, 25,8 tỷ USD dùng để hỗ trợ tài chính, 3,8 tỷ USD là hỗ trợ nhân đạo.
Tổng cộng, kể từ ngày 24/2/2022, khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt 4 gói viện trợ quân sự cho Ukraine với tổng giá trị hơn 113 tỷ USD.