Blue Period – bộ phim chuẩn không khí Nhật khởi đầu chậm rãi làm người xem nghi ngờ độ lôi cuốn về sau, nhưng rồi dần hiểu được vì sao mọi thứ phải chậm, vì đó là hành trình ‘chọn ngành’ quen thuộc nhưng khốc liệt đến bật máu tâm hồn.
Học sinh trung học Yatora được người mẹ hiền kỳ vọng đậu vào trường công vì nhà không có điều kiện. Cậu học trò trầm tính thương mẹ và cư xử lịch sự xin mẹ cứ yên tâm, con tự biết phải làm gì.
Ai cũng nghĩ Yatora dư sức biết mình nên làm gì, vì học lực giỏi và thời học sinh êm đềm không thể hiện nguy cơ. Chỉ có đôi mắt Yatora luôn man mác buồn, có lúc buồn thẳm sâu. Và tâm hồn cậu phảng phất những hoang mang về tương lai không biết thổ lộ cùng ai.
Cho đến ngày cậu lạc vào CLB Mỹ thuật và tâm trí chìm sâu vào bức tranh đàn chị đang vẽ. Cậu không chút băn khoăn khi nghĩ chị ấy là thiên tài, mỗi bức tranh chị vẽ đều như một lời cầu nguyện hạnh phúc cho người xem. Nhưng đàn chị lại khẳng định rằng trau dồi trong nghệ thuật còn quan trọng hơn cả tài năng.
Và Yatora bắt đầu bị ám ảnh về bức tranh màu xanh huyền ảo của riêng mình ở khu phố sáng sớm. Không dừng lại được, Yatora còn mơ một giấc mơ “khủng khiếp” hơn là bước chân vào khoa mỹ thuật khó nhằn của Đại học Nghệ thuật Tokyo với tỉ lệ chọi 1/30.
Phim lấy bối cảnh học đường vô cùng quen thuộc của học sinh trung học ở bất cứ quốc gia nào. Nhưng đúng là người ta có thể kể theo cách riêng biệt về những câu chuyện giống nhau.
Những người thầy và bạn bè của Yatora được xây dựng khá lạ lùng, kỳ quặc. Một cô giáo phụ trách CLB yểu điệu nhưng luôn gợi ý học trò mình khám phá cho hết niềm yêu thích bản thân, thời gian rất quan trọng nhưng không bỏ cuộc mới có giá trị. Một người bạn giới tính thứ ba không ngại làm đủ chiêu trò để Yatora dám chạm vào mỹ thuật. Và một cô giáo luyện thi không ngại “nguyền rủa” những đứa học trò không chịu cào cấu bản thân để tìm cho ra bản sắc của riêng mình.
Và cuối cùng là người mẹ hiền đã rất lo lắng nhưng lại lắng nghe lời cầu xin tận đáy lòng của đứa con trai: Đại học Nghệ thuật Tokyo cũng là một trường công, và xin mẹ hãy cho con được học với niềm hạnh phúc.
Tập hợp rất nhiều nhân vật xoay quanh Yatora làm đủ trò theo tính cách riêng, nhưng chan chứa sự bao dung với ước mơ của một người trẻ tuổi, thúc đẩy, giằng xé, nhẹ nhàng, dõi theo quá trình một “đứa trẻ” chưa đủ trưởng thành tự phá vỡ bản thân mình.
Chọn ngành – không phải là một việc làm ngắn gọn, nó có ảo tưởng, hy vọng rồi thất vọng, phát hiện, xé nát rồi vỡ òa. Quá trình đó cũng đau đớn và dày công lắm. Khi nhận ra mình không phải thiên tài, nỗi thất vọng đó là tột độ, nhưng đi đến quyết định sẽ luyện tập đến khi nào thành một thiên tài thì đó là một quyết định mở ra cả bầu trời.
Phân cảnh những ngày Yatora bước vào kỳ thi chính thức vào Đại học Nghệ thuật Tokyo thực sự là cao điểm xuất sắc của bộ phim.
Trong khoảng thời gian nhất định người ta không chỉ làm cho xong những bài thi nhất định, mà kỳ thi còn cho học sinh những điểm nghỉ để va chạm với đời, gặp ai đó và vỡ lẽ thêm về nghệ thuật và bóc trần những vỏ bọc trong tâm hồn mình. Trong chiếc kính bị rơi giữa phòng thi có gương mặt Yatora bị chia thành nhiều mảnh. Anh nhặt được từ đó một triết lý sâu xa cho bài thi của mình.
Phim được chuyển thể từ truyện tranh manga và đã được làm phim truyền hình, nên bản điện ảnh đang chiếu rạp chịu nhiều áp lực phán xét của đông đảo khán giả cả 3 phiên bản.
Nhưng con gái năm nhất đại học của tôi chỉ thốt lên được hai chữ “quá hay” khi phim kết thúc. Nó cũng đã có thời gian dài không biết mình thích toán, lý hay là thích vẽ, có thời gian dài luyện thi trong các lò mỹ thuật nên trong đôi mắt nó đầy sự thán phục dành cho phim.
Trên các diễn đàn phim, khán giả tuổi teen cũng khen lấy khen để bộ phim rất nhiều. Dù phim đang được chiếu lặng lẽ và theo mạng xã hội, doanh thu của phim đang rất thấp, đây nên là tác phẩm cha mẹ và con cái thử xem.
Bộ phim có thể lay động, và được trẻ nhớ đến khi chúng đứng trước câu hỏi chúng đang thực sự yêu thích điều gì. Câu trả lời cho câu hỏi đó không phải dành cho cha mẹ, mà khởi đầu cho cuộc đấu tranh sâu lắng trong tâm hồn chính các con.
Blue Period là phim điện ảnh của đạo diễn Nhật Kentaro Hagiwara, diễn viên đóng vai chính là Gordon Maeda. Tai Việt Nam, phim được xếp loại dành cho khán giả từ 16 tuổi trở lên.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bo-phim-dang-chieu-tuoi-teen-khen-qua-hay-nhung-it-nguoi-xem-20241209003143038.htm