Ngày 26/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Quốc Trị chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực lâm nghiệp (về chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế, quy hoạch lâm nghiệp) để thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông – vận tải.
Đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng. Tham dự có lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh.
Cao Bằng hiện có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 547.035,51 ha, chiếm 81,6% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó, diện tích đất có rừng 380.099,04 ha (rừng tự nhiên 358.391,41 ha, chiếm 94,3% diện tích đất có rừng); rừng trồng 16.840,89 ha, chiếm 4,4% diện tích đất có rừng; rừng trồng chưa thành rừng 4.866,74 ha, chiếm 1,3% diện tích đất có rừng.
Giai đoạn 2022 – 2030, diện tích dự kiến chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 3.918,36 ha, trong đó, thuộc quy hoạch rừng đặc dụng 19,60 ha, quy hoạch rừng phòng hộ 1.887,50 ha, quy hoạch rừng sản xuất 1.988,41 ha, rừng tự nhiên ngoài quy hoạch lâm nghiệp 12,85 ha. Các diện tích rừng có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng chủ yếu là xây dựng hạ tầng giao thông của tỉnh, giao thông miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi có điều kiện đi lại khó khăn và là các dự án phát triển kinh tế – xã hội trọng điểm của tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh có 6 nhóm dự án cần chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích đề nghị 345,18 ha (quy hoạch rừng phòng hộ 87,2 ha, rừng sản xuất 249,78 ha, rừng tự nhiên ngoài quy hoạch 8,2 ha).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, số liệu 3 loại rừng của ngành lâm nghiệp và số liệu đất đai của ngành tài nguyên và môi trường không đồng nhất, khi xác định cụ thể tên và số hiệu các thửa đất, lô rừng không thống nhất trong hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Chương trình mục tiêu quốc gia phần lớn đều ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên, khi triển khai gặp nhiều vướng mắc, gây cản trở đến phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, đặc biệt là hệ thống giao thông cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Việc thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (rừng tự nhiên) thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ mất nhiều thời gian, do vậy không đảm bảo tiến độ thực hiện cũng như giải ngân các dự án trên địa bàn tỉnh. Vướng mắc trong thực hiện Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ NN&PTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo kiến nghị: Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phân cấp cho HĐND tỉnh được quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác với diện tích từ dưới 20 ha đối với các dự án cấp thiết, dự án phát triển kinh tế – xã hội quan trọng của địa phương. Đối với những dự án giao thông cấp thiết đã tác động vào rừng tự nhiên, nhưng chưa kịp thời thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ quy trình, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, đề nghị Bộ NN&PTNT đề xuất với Chính phủ cho phép UBND tỉnh được hoàn thiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, kiến nghị với Bộ NN&PTNT về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp (chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế, quy hoạch lâm nghiệp) để thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông – vận tải…
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị đề nghị Cục Lâm nghiệp tiếp tục làm việc với các địa phương liên quan đến vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục đồng hành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại các địa phương theo đúng quy định pháp luật. Các địa phương cần thực hiện tốt việc điều chỉnh 3 loại rừng, đặc biệt điều chỉnh về thời gian, nội dung, trình tự thủ tục điều chỉnh. Các địa phương rà soát diện tích trồng rừng, nhất là vị trí trồng rừng, đơn giá trồng rừng… và sửa đổi một số thông tư quy định về công tác hỗ trợ trồng rừng; tạm ứng trước kinh phí, quy trình. Các tỉnh sớm bổ sung các dự án cấp thiết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc trồng rừng thay thế, rừng bổ sung.
Tiến Mạnh