Theo đó, Kế hoạch ban hành nhằm mục đích xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các đơn vị trong việc tổ chức thi hành Luật Thủ đô. Xác định trách nhiệmv à cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại Bộ Nội vụ trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đo và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Tổ chức kịp thời, hiệu quả việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến về Luật Thủ đô.
Kế hoạch yêu cầu bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ trong việc thi hành Luật Thủ đô.
Nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm, vai trò của đơn vị được phân công chủ trì trong việc phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Xác định lộ trình cụ thể, khẩn trương soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để bảo đảm Luật Thủ đô được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi TP. Hà Nội và cả nước. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong việc tổ chức thi hành Luật Thủ đô.
* Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15) gồm 07 Chương, 54 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Luật Thủ đô năm 2024 dành riêng Chương II với 9 Điều (từ Điều 8 đến Điều 16) quy định về: Tổ chức chính quyền đô thị (Điều 8); Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (Điều 9); Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (Điều 10); Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội (Điều 11); Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội (Điều 12); Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường (Điều 13); Phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân (Điều 14); Tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức (Điều 15) và Thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Điều 16).
Theo quy định, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ít nhất là 25% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố hoạt động chuyên trách, gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, không quá 03 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên. Số lượng thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định, bảo đảm không quá 11 người. Hội đồng nhân dân thành phố được thành lập không quá 06 Ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể. Ban của Hội đồng nhân dân thành phố gồm Trưởng ban do Hội đồng nhân dân bầu; Phó Trưởng ban và các Ủy viên do Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố phê chuẩn. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố quyết định số lượng Phó Trưởng ban bảo đảm bình quân không quá 02 người trên một Ban.
Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội có 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách không quá 09 người do Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố quyết định; được thành lập không quá 03 Ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể.
Ủy ban nhân dân phường không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban nhân dân phường gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các công chức khác của phường. Phường loại I và loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, phường loại III có 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Mời xem toàn văn Luật Thủ đô và Quyết định số 591/QĐ-BNV tại FILE đính kèm:
Nguồn: https://moha.gov.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-noi-bat.aspx?ItemID=56330