Theo số liệu báo cáo của các chủ đầu tư đến ngày 30/6/2024, Bộ NNPTNT đã giải ngân được 4.702 tỷ đồng, đạt 51,02% vốn kế hoạch nằm trong nhóm Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao.
Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng nằm trên địa bàn xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Bộ NNPTNT quản lý. Ảnh Ngọc Dân
Năm 2024, Bộ NNPTNT được Chính phủ giao quản lý 9.935 tỷ đồng, gồm kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án vốn trong nước là 8.601 tỷ đồng, trong đó có 24 tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; kế hoạch vốn nước ngoài là 1.334 tỷ đồng, trong đó có 819 tỷ đồng chưa phân bổ và Bộ NNPTNT đã có báo cáo xin trả lại.
Bộ NNPTNT đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương năm 2024 là 9.216 tỷ đồng. Theo số liệu báo cáo của các chủ đầu tư đến ngày 30/6/2024 đã giải ngân được 4.702 tỷ đồng, đạt 51,02% vốn kế hoạch nằm trong nhóm Bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao.
Theo Bộ NNPTNT, để có được tỷ lệ giải ngân cao, ngay từ đầu năm 2024, Bộ NNPTNT đã ban hành văn bản số 331/BNN-KH ngày 11/1/2024 chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện và giải ngân vốn đầu tư năm 2024.
Theo đó, Bộ NNPTNT yêu cầu các chủ đầu tư lập phương án chi tiết để thực hiện, giải ngân số vốn kế hoạch năm 2024 được giao theo từng tháng, từng quý, với mục tiêu giải ngân tối đa vốn kế hoạch năm 2024, đồng thời trả nợ khối lượng, thu hồi tối đa số vốn đã tạm ứng hợp đồng từ năm 2023 trở về trước.
Xác định giải ngân đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cần phải tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm về quản lý đầu tư công chỉ đạo sát sao trong quá trình tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho từng dự án; giao trách nhiệm cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong Bộ trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NNPTNT) cho biết, Bộ NNPTNT đã rà soát vướng mắc, khó khăn của từng chủ dự án, chủ đầu tư, đồng thời tổ chức các hội nghị giao ban xây dựng cơ bản trực tuyến để kịp thời chỉ đạo cụ thể và có các giải pháp tháo gỡ từng vướng mắc cho từng dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân cho từng dự án.
Mặc dù tỷ lệ giải ngân của Bộ NNPTNT tương đối cao so với các Bộ ngành, địa phương, nhưng Bộ NNPTNT đánh giá số vốn kế hoạch năm 2024 được giao như hiện tại không đáp ứng được nhu cầu. Bộ đã có các văn bản đề xuất bổ sung, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chưa được đáp ứng; chưa xác định số vốn sẽ được bố trí năm 2025, nên rất bị động trong chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện.
Bộ NNPTNT cũng cho biết, quá trình duyệt vốn qua hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) còn chậm nên kinh phí điều chỉnh của một số dự án chưa về kho bạc kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Vì thế, Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh việc duyệt TABMIS cho các dự án của Bộ đã được giao điều chỉnh kế hoạch, tạo thuận lợi cho việc triển khai giải ngân và đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn được cấp phát.
Đối với kế hoạch vốn năm 2023 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 theo thông báo tại văn bản số 3922/BKHDT-TH ngày 22/5/2024 của Bộ Kế hoạch và đầu tư là hơn 100 tỷ đồng cho 4 dự án: Hồ chứa nước Sông Chò 1: 80,8 tỷ đồng; Hồ chứa nước Krông Pách Thượng: 1 tỷ đồng; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu: 14 tỷ đồng; Chống ngập úng và nuôi trồng thủy sản khu vực Hưng Đạo, thị xã Chí Linh: 1,5 tỷ đồng.
“Kế hoạch vốn năm 2023 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 đã giải ngân được 1 tỷ đồng, tương ứng 1%. Giải ngân đến nay chậm do đến cuối tháng 5/2024 mới được thông báo cho phép kéo dài” – Bộ NNPTNT thông tin.
Nguồn: https://danviet.vn/bo-nnptnt-giai-ngan-hon-4700-ty-dong-dat-51-von-ke-hoach-nam-trong-nhom-bo-nganh-co-ty-le-giai-ngan-cao-20240711110248065.htm