Cũng nhân sự kiện này, Bộ NNPTNT đã công bố và triển khai Đề án thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiến hành ký Thoả thuận thành lập Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) của Việt Nam và khởi động chương trình chung của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam về “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cơ chế đối tác và tài chính cho chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở việt Nam”.
Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 44 năm 2024 với chủ đề: “Quyền tiếp cận lương thực thực phẩm vì một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn” là cơ hội để chia sẻ rộng rãi những cam kết toàn cầu đối với việc bảo đảm quyền tiếp cận lương thực thực phẩm (LTTP) phù hợp cho tất cả mọi người, thông qua các hệ thống lương thực thực phẩm được chuyển đổi bền vững và công bằng.
Tại buổi lễ, ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam phát biểu: “Dù ngay cả trong những nền kinh tế có thu nhập cao, nhiều người vẫn chọn thực phẩm tiện lợi, mặc dù chúng không lành mạnh. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đa dạng thực phẩm, bởi đó là yếu tố cần thiết để đảm bảo nguồn dinh dưỡng hợp lý, khả năng tiếp cận và chi trả cho thực phẩm, cũng như đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho tất cả mọi người”.
Lương thực thực phẩm là nhu cầu cơ bản quan trọng thứ 3 của con người sau không khí và nước uống. Tuy vậy, không phải tất cả mọi người trên thế giới ngày nay đều có thể tiếp cận được LTTP để có một cuộc sống khoẻ mạnh.
Hiện nay, có 733 triệu người trên thế giới đang đối mặt với nạn đói và hơn 2,8 tỷ người không có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh. Điều này chủ yếu do xung đột, thời tiết khắc nghiệt, bất bình đẳng và suy thoái kinh tế.
Suy dinh dưỡng dưới nhiều hình thức tồn tại ở mọi tầng lớp xã hội, khiến cho việc tiếp cận lương thực lành mạnh trở nên khó khăn hơn.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, nhấn mạnh: “Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho hơn 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, đóng góp 12% GDP của quốc gia. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như quy mô nông hộ nhỏ, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và xu thế tiêu dùng toàn cầu”.
Bộ trưởng cũng khẳng định sự cần thiết phải thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp để vượt qua các thách thức này. Ông cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”. Đề án nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm với cả con người và thiên nhiên, đồng thời thúc đẩy hội nhập quốc tế.
“Chúng tôi sẵn sàng chung tay hợp tác với các đối tác quốc tế một cách toàn diện, đa dạng hoá đối tác và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả”, Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.
Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Bộ Y tế, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường cùng hơn 30 đối tác quốc tế đã ký thỏa thuận “Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững tại Việt Nam”.
Các mục tiêu chính của Đối tác bao gồm xây dựng cơ chế kết nối đa ngành, nhằm phát huy được thế mạnh của từng đối tác trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm; tăng cường năng lực và chia sẻ kinh nghiệm về chính sách, đầu tư, nghiên cứu. Ngoài ra, huy động nguồn lực phát triển hệ thống cung ứng đầu vào, phát triển sản xuất, phát triển hệ thống chế biến và phân phối, thúc đẩy thực hành tiêu dùng có trách nhiệm, đảm bảo chế độ ăn lành mạnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho người dân Việt Nam.
Nhân dịp này, Liên Hợp quốc tại Việt Nam cũng khởi động Chương trình “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cơ chế đối tác và tài chính cho chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm tại Việt Nam”. Chương trình này nhằm xây dựng cơ chế đối tác chiến lược cho việc chuyển đổi hệ thống LTTP, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính nông nghiệp, và tăng cường năng lực quốc gia trong việc triển khai các giải pháp bền vững.
Ông Patrick Haverman, Quyền Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), chia sẻ: “Tôi tin tưởng rằng chương trình hợp tác này sẽ thiết lập một chuẩn mực mới cho sự đổi mới trong hệ thống nông nghiệp – không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn khu vực”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh: “Cùng nhau chúng ta sẽ tạo ra các giá trị mới vì ‘Quyền tiếp cận lương thực thực phẩm vì một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn’. Tương lai không phải là thứ chúng ta dự đoán, mà là điều chúng ta xây dựng cùng nhau. Đừng chần chừ khi đối mặt với cơ hội. Tương lai luôn thuộc về những người dám đối mặt với thách thức”.
“Việc chuyển đổi hệ thống LTTP mới chỉ là bước đầu tiên, chúng ta cũng cần đảm bảo rằng các nhóm kỹ thuật được trình bày trong suất sự kiện sẽ được thành lập, và trách nhiệm của các đối tác cũng phải được thành lập rõ ràng. Có thế, FAO sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NNPTNT và các bên liên quan để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030, với phương châm không bỏ ai lại phía sau”, ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam cho biết.
FAO sẽ giữ nguyên cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam. Từ đó, Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới các hệ thống lương thực thực phẩm hiệu quả hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn, sản xuất tốt hơn, cải thiện dinh dưỡng tốt hơn, môi trường và chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nguồn: https://danviet.vn/bo-nnptnt-cung-30-doi-tac-quoc-te-ky-ket-thoa-thuan-chuyen-doi-he-thong-luong-thuc-thuc-pham-minh-bach-trach-nhiem-20241018175156533.htm