Nông dân tay trắng sau lũ
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND xã Tân Long Nguyễn Sỹ Thuật cho biết, tính đến 15/9, số hộ gia đình trong xã bị ngập và lũ quét, sạt lở vào nhà phải di chuyển đồ đạc và người đi nơi khác 198/1.652 hộ.
Trong đó, có 13 hộ phải di dời khẩn cấp do sạt lở taluy âm (phía bờ sông Lô). Và 31 hộ trong diện phải khắc phục ngay do sạt lở taluy dương, 154 hộ bị nước lũ tràn, ngập vào nhà.
“Hiện tại đang có hiện tượng sạt trượt, lở đất rất nguy hiểm không thể ở được và phải di chuyển đi nơi khác. Các hộ trên đã di dời người, tài sản và bố trí ở nhờ nhà anh em và các hộ dân trong thôn, nhà văn hóa trường học và dựng lán tạm để ở”, ông Thuật cho hay.
Về sản xuất nông nghiệp: 150 ha lúa, 80 ha ngô bị vùi lấp và hỏng hoàn toàn; cây dâu thiệt hại 25 ha. Đối với các cây trồng khác 6,2 ha bị ngập và thiệt hại hoàn toàn.
Mưa lũ cũng làm chìm và hư hỏng nặng 10 lồng cá trên sông Lô và sông Gâm; 5,1 ha ao hồ bị vỡ ngập; 0,8 ha keo đến tuổi thu hoạch bị gió bão làm gãy đổ.
Nước lũ dâng cao cũng làm vỡ, sập 25m bờ kè ngăn nước tại công trình đập Đồng Dơi thôn 16; 1 trạm bơm tại thôn 9 bị ngập nước, đất cát vùi lấp gây hư hỏng; tại các thôn Cường Đạt, thôn 5, thôn Đình Quải, thôn 1, kênh mương thuỷ lợi bị vùi lấp chiều dài 250m.
Sau khi lũ rút đi, hàng nghìn hộ dân ở Tân Long bỗng dưng tay trắng, người mất nhà, người bị thiệt hại nặng cây trồng, vật nuôi. Đến Tân Long những ngày này, trên những bãi ngô, ruộng lúa chỉ một màu xám xịt của bùn đất của nước lũ để lại. Nhiều hộ sống bên bờ sông Lô chỉ còn con đường tháo chạy do bị sạt lở vào tận nhà, họ thấp thỏm về tương lai…
Nói với Dân Việt, ông Phạm Văn Hoàn, thôn 9 (xã Tân Long) vẫn chưa thể quên trận lũ “quái ác” vừa qua, khiến gia đình ông chưa biết đến bao giờ mới vực dậy được.
Mới cách đây vài tuần, thương lái vào tận nhà đặt cọc 50 triệu đồng để mua bưởi, ấy thế, tiền cầm chưa “nóng tay” thì mưa lũ đã làm hơn 200 gốc bưởi bị nhấn chìm trong nước, từng quả cứ thế rụng dần cho đến gần hết. Chưa hết, 7 sào lúa, 3 sào ngô cũng mất trắng.
“Hôm qua tôi phải trả lại cho thương lái số tiền mà họ đã đặt cọc”, ông nói trong buồn bã.
Mưa lũ đi qua nhưng hậu quả để lại quá nặng nề cho người dân ở Tân Long, ông Hoàn cho biết, 200 gốc cam giờ đây đứng trước nguy cơ phải chặt bỏ vì bị ngâm quá lâu trong nước, cây bị thối rễ.
Còn bà Đỗ Thị Thông, 68 tuổi, thôn 13 (xã Tân Long) nói chưa bao giờ chứng kiến trận lũ gây thiệt hại nặng nề như lần này. Gia đình bà có 200 gốc bưởi, 3 sào ngô, gần 1 ha măng bị nước lũ tàn phá, thiệt hại trên 100 triệu đồng.
“Thiệt hại nặng như thế này coi như chúng tôi mất mùa 3 năm. Bây giờ để khôi phục sản xuất cũng không còn vốn nữa, chỉ mong các cấp chính quyền, ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để sớm khôi phục sản xuất”, bà Thông kiến nghị.
Hỗ trợ con giống, thức ăn… giúp người dân sớm khôi phục sản xuất
Chia sẻ những mất mát, thiệt hại do bão lũ gây ra với người dân xã Tân Long, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NNPTNT và các đơn vị của Bộ cũng đã triển khai kế hoạch hỗ trợ bà con phục hồi sản xuất. Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ, đồng hành từ các doanh nghiệp để giúp bà con sớm khắc phục hậu quả do mưa lũ, nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu, Sở NNPTNT tỉnh Tuyên Quang nhanh chóng thống kê thiệt hại, trình UBND tỉnh và Bộ NNPTNT để cân đối, phân bổ hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại.
Thứ trưởng mong tỉnh Tuyên Quang cố gắng tập trung nguồn lực khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất. Diện tích sản xuất nào khôi phục được thì cần khôi phục sớm.
Để tái thiết sản xuất, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý bà con, trước mắt cần vệ sinh đồng ruộng, chuồng trại, tiêu độc khử trùng. Sau đó, đưa các giống gà, ngan, vịt… thời gian sinh trưởng ngắn vào chăn nuôi để nhanh chóng tạo sinh kế.
Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp cần kịp thời cung ứng con giống chất lượng, giá cả phải chăng, thức ăn, thuốc thú y… để hỗ trợ người dân.
“Gà công nghiệp chỉ cần hơn 1 tháng, gà lông màu trên 3 tháng; vịt ngan chỉ có 45-50 ngày là có thể xuất chuồng. Nguồn con giống lợn, thủy sản sẽ có khó khăn, cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn”, Thứ trưởng nói.
Dịp này, tại xã Tân Long, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng Viện Di truyền nông nghiệp, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty De Heus, Công ty cổ phần Tập đoàn RTD, Công ty TNHH LEHAN Việt Nam trao tặng 100 triệu đồng, 3 tấn gạo, 10.000 gà ta giống, 5 tấn thức ăn chăn nuôi, 1.000 lít hóa chất tiêu độc, khử trùng và 500 xuất quà cho người dân bị thiệt hại do bão lũ.
Nguồn: https://danviet.vn/bo-nnptnt-10000-con-ga-giong-cung-thuc-an-va-qua-cho-nguoi-dan-vung-lu-o-tuyen-quang-20240917150404398.htm