Kiếm tiền triệu mỗi ngày
Lái xe ôm công nghệ 34 tuổi này từng là công nhân nhà máy may ở huyện Vũ Thư (Thái Bình). Sau khi kết hôn, anh quyết định lên Hà Nội tìm việc, bởi vợ anh cũng là công nhân trong khu công nghiệp Thăng Long ở Đông Anh.
Thời gian đầu, anh Trần Phi Long tính nộp hồ sơ xin việc vào công ty may trong khu công nghiệp. Song, nhiều doanh nghiệp giảm đơn hàng, thu nhập của người lao động sụt giảm rõ rệt nên anh quyết định tìm việc làm tự do.
Ở chốn đô thị, nam thanh niên cho rằng chỉ cần chịu khó làm lụng sẽ không lo thiếu việc. Tự do về giờ giấc, tính linh động cao, anh quyết định đầu quân cho một hãng xe công nghệ.
Dù là công việc tự do, song lái xe này luôn phải đặt mục tiêu riêng cho bản thân. Khi nào chạy xe đạt số tiền nhất định, anh mới yên tâm trở về nhà trọ.
Công việc bắt đầu từ 6h30 đến 18h anh tắt ứng dụng trở về, nếu ngày đó may mắn nhận được nhiều cuốc. Song không ít hôm ế ẩm, tài xế này phải “cày” đến 23h, toàn thân rã rời, thấm mệt.
Anh Long khoe đã từng kiếm được 2,7 triệu đồng/ngày nhờ chạy xe ôm đến nửa đêm. Trung bình, mỗi tháng anh có thể đạt thu nhập 15-20 triệu đồng. Để đạt số tiền trên, người lao động phải miệt mài làm việc, cả ngày ngồi trên xe máy chở hàng, chở khách đến vô số địa điểm khác nhau trong thành phố.
“Trung bình mỗi lái xe công nghệ chạy 200-300km/ngày là chuyện bình thường. Có những ngày tôi phải đổ đến 3 bình xăng”, anh Trần Phi Long nói.
Kiếm tiền ổn hơn làm việc trong nhà máy song nam tài xế cho biết, chỉ xác định chạy xe vài năm nữa. Bởi đây là công việc bào mòn sức lực, nếu không có sức khỏe khó lòng đáp ứng được yêu cầu công việc.
Đối mặt rủi ro
1 năm trở lại đây, anh Trần Phi Long trở thành lao động chính trong gia đình. Bởi vợ anh bị giảm việc, lương chỉ cao hơn mức lương cơ bản chút ít.
Thời điểm việc nhiều, được tăng ca nhiều, thu nhập của vợ anh Long có thể lên tới 12 triệu đồng/tháng. Vậy mà tháng trước, nữ công nhân phải nằm nhà chờ việc suốt, chỉ hưởng 70% lương (khoảng 6-7 triệu đồng/tháng)
Số tiền này đủ trang trải chi phí thuê trọ, điện, nước và ăn uống của vợ chồng anh ở Hà Nội. Còn thu nhập của anh Long được chắt chiu, tiết kiệm thành khoản tích lũy của gia đình.
Dù thu nhập khá, linh hoạt giờ giấc làm việc, nhưng tài xế công nghệ cũng đối mặt với nhiều rủi ro. Liên tục di chuyển trong ngày, anh Long luôn phải giữ cho bản thân tỉnh táo, điều khiển phương tiện cẩn trọng, hạn chế tối đa những va quệt hằng ngày.
Bên cạnh đó, những lúc thời tiết khắc nghiệt, bất kể nắng, mưa anh vẫn phải lao ra đường đón, chở khách.
Rủi ro khác, nhiều người lợi dụng việc tài xế ứng tiền khi chuyển hàng để “bom” hàng, thậm chí lừa đảo. Anh Long vẫn nhớ như in trường hợp người thân của mình mất hơn 1 triệu đồng vì cả tin.
Khi đó người này “nổ” đơn hàng tại quận Hà Đông, khách hàng đặt chuyển một thùng sơn. Khách yêu cầu tài xế ứng trước hơn 1 triệu đồng. Khi chở thùng sơn đến điểm nhận, tài xế mới phát hiện ra đây là địa chỉ ảo, số điện thoại ảo.
“Người quen của tôi phải cầm thùng sơn về nhà, coi như một ngày chạy xe đi tong. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho riêng tôi”, anh Long nói.
Anh Long nói, kế hoạch của anh là chỉ làm xe ôm công nghệ thêm vài năm nữa. Sau đó, vợ chồng anh sẽ về quê tìm việc. Anh dự định tiếp tục làm may hoặc mở cửa hàng cơ khí. Trước mắt tranh thủ còn sức khỏe, anh cố gắng làm việc, thêm tiền tích lũy cho gia đình.
Trước đó, nghiên cứu “Một số vấn đề về việc làm trong nền kinh tế việc làm tự do (Gig economy) tại Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp lái xe công nghệ, giao hàng, giúp việc gia đình” của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) có nêu nền kinh tế Gig là mô hình kinh tế sử dụng các nền tảng số kết nối lao động tự do với khách hàng.
Lái xe, giao hàng công nghệ được hưởng chính sách hỗ trợ tạo việc làm nếu đáp ứng đủ các điều kiện hỗ trợ và khuyến khích tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm ứng phó với rủi ro.
Khảo sát nhóm 270 người lao động là các lái xe công nghệ, giao hàng công nghệ và giúp việc gia đình của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho thấy, nhóm lao động này hạn chế trong tiếp cận an sinh xã hội khi gặp rủi ro đột xuất và trong bối cảnh dịch bệnh. Khi đó, họ chủ yếu dùng tiền tiết kiệm cá nhân.
Điều đáng nói, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội rất thấp, tham gia bảo hiểm y tế 51,11%; chỉ 8,15% tham gia bảo hiểm xã hội.