Những ý kiến về kênh đào Phù Nam Techo trên tài khoản mạng xã hội của ông Hun Sen và được cho là xuất phát từ Việt Nam không đại diện cho quan điểm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
“Việc một số tài khoản được cho là xuất phát từ Việt Nam bày tỏ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội vừa qua không đại diện cho quan điểm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi không đồng tình với các ý kiến, bình luận mang tính kích động, chia rẽ tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam và Campuchia, công kích cá nhân lãnh đạo hai nước”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời Tuổi Trẻ Online ngày 23-5.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online đã đề nghị Bộ Ngoại giao cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Campuchia đề nghị hợp tác điều tra thông tin một số tài khoản mạng xã hội được cho là của công dân Việt Nam có lời lẽ chưa đúng mực trên tài khoản của Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.
“Trên cơ sở mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia, các cơ quan chức năng hai bên có các biện pháp thiết thực hiệu quả để giúp nhân dân và thế hệ tương lai của hai nước hiểu rõ và đầy đủ về mối quan hệ này, đưa quan hệ hai nước phát triển ngày một mạnh mẽ hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Trên tinh thần đó, chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin trên nhiều lĩnh vực, trong đó có dự án kênh đào Phù Nam Techo cũng như nghiên cứu về tác động xuyên biên giới của dự án, qua đó bảo đảm lợi ích hài hòa của các quốc gia và người dân sinh sống ven sông; quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước sông Mekong”, bà Hằng nhấn mạnh.
Ông Hun Sen đã nói gì?
Ngày 20-5, trên trang Facebook chính thức, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen cho biết gần đây có nhiều bình luận trên TikTok được cho là của người Việt Nam “mang tính xúc phạm” ông vì dự án kênh đào Phù Nam Techo.
Ông Hun Sen kế đó kêu gọi nhà chức trách Campuchia hợp tác với Việt Nam để làm rõ những người xúc phạm ông, song cũng thừa nhận không rõ đây là công dân Việt Nam hay người Việt ở nước ngoài.
Nhà lãnh đạo Campuchia cũng khẳng định không cáo buộc ai và muốn có sự hợp tác điều tra để “ngăn chặn những kẻ xấu phá vỡ mối quan hệ giữa hai nước”.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Sok Chenda Sophea sau đó đã gặp Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng cùng ngày 20-5, theo báo Khmer Times.
Trong đó ông Sok Chenda Sophea đề nghị chính phủ hai bên hợp tác điều tra danh tính những người “đăng nội dung thù địch”, nhằm ngăn chặn mọi nỗ lực phá hoại tình hữu nghị truyền thống và thiện chí giữa lãnh đạo cũng như nhân dân hai nước.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Touch Sokhak thì cho hay bộ này đang nghiên cứu các thủ tục pháp lý phù hợp và hợp tác với các cơ quan chức năng Việt Nam thông qua kênh ngoại giao.
Ông này cũng cho biết Bộ Nội vụ Campuchia đã chuyển vụ việc cho các nhà điều tra chuyên nghiệp và yêu cầu họ hợp tác với phía Việt Nam, nếu có thể, để giúp xác định thủ phạm.
Câu trả lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 23-5 đánh dấu lần thứ tư trong năm nay Việt Nam lên tiếng về các thông tin liên quan dự án kênh đào Phù Nam Techo tại Campuchia.
Trong đó, thông điệp xuyên suốt của Việt Nam là coi trọng quan hệ láng giềng với Campuchia, ủng hộ các thành tựu phát triển của nước bạn thời gian qua.
Với kênh đào Phù Nam Techo, phía Việt Nam bày tỏ quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia, tuy nhiên đề nghị phía bạn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá tác động của dự án.
Campuchia quyết tâm xây kênh đào Phù Nam Techo
Dự án kênh đào Phù Nam Techo đã thu hút được nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây.
Truyền thông Campuchia liên tục đưa tin về dự án này, với các phát biểu thể hiện quyết tâm thực hiện của lãnh đạo Campuchia và nhấn mạnh dự án sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho người dân nước này mà còn một số nước khác.
Theo báo Khmer Times, dự án kênh đào Phù Nam Techo có thể khởi công vào cuối năm nay. Chi phí ước tính khoảng 1,7 tỉ USD, do nhà thầu Trung Quốc thực hiện và dự kiến mất 4 năm để hoàn thành.
Đây sẽ là tuyến đường thủy mới, cho phép các tỉnh nằm sâu trong nội địa Campuchia kết nối thẳng với vịnh Thái Lan.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/bo-ngoai-giao-noi-ve-nhung-loi-le-kich-dong-tren-kenh-tiktok-ong-hun-sen-20240522050052786.htm