Theo số liệu vừa được hãng Chainalysis (Mỹ) công bố, tổng tài sản mã hóa vào Việt Nam từ tháng 7-2022 đến 7-2023 là 120 tỉ USD, gấp khoảng 5 lần vốn đầu tư nước ngoài mà nước ta thu hút được trong cùng thời gian. Đáng chú ý, trên 20 triệu người dân Việt Nam có sở hữu tài sản ảo với tổng lợi nhuận khoảng 1,2 tỉ USD – đứng thứ ba toàn cầu.
Bỏ lỡ cơ hội lớn
Nhìn nhận về những con số khổng lồ nêu trên, chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần có thống kê mang tính tin cậy từ một cơ quan hoặc tổ chức trong nước để có thể hình dung được đầy đủ bức tranh thị trường tài sản mã hóa của Việt Nam. Tuy vậy, có thể sơ bộ nhận định tiềm năng của thị trường tài sản mã hóa là rất lớn, nếu không kịp thời quản lý sẽ gây thất thu thuế, bỏ lỡ dòng vốn đầu tư mới bổ sung cho nền kinh tế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro liên quan hoạt động rửa tiền.
“Ngay từ năm 2017, chúng ta đã đặt vấn đề quản lý lĩnh vực tài sản ảo nhưng đến nay vẫn chưa ban hành khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động liên quan. Trong khi đó, giao dịch tiền mã hóa đang tăng trưởng nhanh mỗi ngày cùng với sự tiến bộ của công nghệ. Cần nhanh chóng rà soát toàn diện về tài sản số, trong đó đánh giá rõ tiềm năng, cơ hội cũng như các rủi ro để có cách ứng phó phù hợp” – TS Lê Đăng Doanh đề nghị.
Nhiệm vụ xây dựng khung pháp lý đối với tiền số đang được các bộ, ngành triển khai theo Quyết định 194/2024 của Thủ tướng về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Thời hạn hoàn thành là tháng 5-2025.
Theo luật sư Bùi Anh Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, chỉ còn 1 năm để xây dựng khung pháp lý quan trọng này nên các cơ quan được giao nhiệm vụ cần gấp rút nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý.
“Nên tham khảo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế để hình thành các quy định phù hợp với tình hình của Việt Nam, qua đó vừa giúp tối ưu nguồn thu thuế, bảo vệ người dùng vừa đạt được mục tiêu được đặt ra tại Quyết định 194/2024. Có ý kiến còn băn khoăn về cấm hoàn toàn hay quản lý đối với tài sản mã hóa song theo tôi, nếu cấm thì chúng ta sẽ bỏ lỡ các cơ hội đầu tư trong dòng chảy mạnh mẽ của công nghệ” – luật sư Tuấn nêu quan điểm.
Cập nhật tiến độ thực hiện Quyết định 194/2024, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền – Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho hay NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, trong đó có những đánh giá về tiền số, tài sản số. Kết quả đánh giá này đã được các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng.
Điều chỉnh hướng tiếp cận
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, giao dịch tiền mã hóa ngày càng phổ biến. Tại Việt Nam, việc giao dịch, mua bán các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum… được thực hiện khá dễ dàng thông qua các sàn cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến. Thực tiễn đòi hỏi cần sớm có chính sách hoàn chỉnh, dù đây là bài toán khó, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, lĩnh vực.
“Quyết định 194/2024 tập trung vào hai nội dung ưu tiên là chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và tiêu chuẩn đối với đơn vị cung cấp tài sản số. Trong khi đó, 2 tiêu chuẩn quan trọng để hình thành hành lang pháp lý hoàn chỉnh là chính sách thuế đối với tài sản mã hóa và bảo vệ người dùng thì chưa được quan tâm thỏa đáng” – ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), chỉ rõ.
Theo ông Trung, do thiếu khung khổ pháp lý nên thực tế ở Việt Nam đã phát sinh một số vụ việc liên quan giao dịch tiền số. Điển hình là vụ một người “chơi” Bitcoin phát sinh nguồn thu nhập, bị cơ quan thuế truy thu 2,6 tỉ đồng thuế GTGT và thu nhập cá nhân. Người này sau đó kiện ra tòa và thắng kiện do tiền số chưa được pháp luật điều chỉnh.
Chưa kể, rủi ro liên quan giao dịch tiền số hiện nay rất lớn. Ông Phan Đức Trung cho hay có tình trạng một số đơn vị thường xuyên tổ chức những hội thảo kín về tài sản mã hóa, lợi dụng hình ảnh của các tổ chức uy tín nhằm huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân. Nhiều người dùng phản ánh tới VBA việc họ bị lừa đảo thông qua việc nạp, gửi tiền lên các nền tảng sàn giao dịch, ví tiền số không rõ thông tin như Mexc, BingX, Gate.io… Trong khi đó, việc truy vết hỗ trợ người dùng lại gặp khó bởi hầu hết các sàn đều có máy chủ ở nước ngoài hoặc từ chối làm việc với VBA. Đơn cử, một vụ tranh chấp 100.000 USDT (loại tiền kỹ thuật số) giữa người dùng với sàn Mexc đến nay vẫn rơi vào bế tắc.
Liên quan hướng tiếp cận khi xây dựng pháp lý cho tài sản mã hóa, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế (Bộ Tư pháp), cho hay các quốc gia trên thế giới có quy định khác nhau về điều chỉnh hoạt động của lĩnh vực này. Trong đó, chủ yếu tập trung quản lý sự lưu thông, giao dịch của tài sản mã hóa. Ngay tại Mỹ, quốc gia này đang áp dụng pháp luật hiện hành để quản lý, xử lý đối với từng trường hợp cụ thể, song song với đó là nghiên cứu khung pháp lý mới. “Trong các báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tư pháp đã cảnh báo các nguy cơ liên quan tiền số và thể hiện quan điểm không cấm, mà cần xây dựng khung pháp lý để quản lý, điều chỉnh đối với loại tài sản này” – ông Cao Đăng Vinh khẳng định.
Giải bài toán vốn cho nền kinh tế
Ông Trần Việt Hùng – nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, cố vấn cấp cao VBA – cho rằng việc sớm ban hành khung pháp lý sẽ giúp chuyển hóa giá trị của tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo từ khu vực kinh tế ngầm sang nền kinh tế chính thức. Từ đó, không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi người dùng mà còn có thể giúp giải bài toán về vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh các kênh huy động vốn như chứng khoán, ngân hàng, trái phiếu… đều đang gặp khó khăn. “Hy vọng sau một năm nữa, khi nhắc về tài sản số và các loại hình tài sản ứng dụng công nghệ blockchain, chúng ta không chỉ nói về kinh tế ngầm, về giá Bitcoin tăng, mà sẽ nói về việc loại tài sản này và các tổ chức cung ứng dịch vụ liên quan đóng góp được bao nhiêu vốn trong nền kinh tế” – ông Hùng đặt vấn đề.
Nguồn: https://nld.com.vn/bo-ngo-quan-ly-dong-tien-so-khong-lo-196240608203529971.htm