(MPI) – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ký ban hành Quyết định số 2501/QĐ-BKHĐT về việc phê duyệt Đề án Chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2025-2030.
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số theo hướng hiệu quả, nhanh chóng và đồng bộ
Đề án được xây dựng để áp dụng cho các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc triển khai các hoạt động chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo hướng hiệu quả, nhanh chóng và đồng bộ giúp nâng cao chất lượng thông tin, đáp ứng nhanh và kịp thời nhu cầu sử dụng thông tin của các cấp lãnh đạo và toàn xã hội, nâng cao tính dễ tiếp cận số liệu của người sử dụng thông tin.
Với mục tiêu tổng quát nhằm đẩy mạnh việc triển khai Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Xây dựng các nền tảng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông. Tạo lập kho dữ liệu số Bộ Kế hoạch và Đầu tư đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin và dữ liệu.
Cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến toàn trình, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau. Chuyển đổi số để giảm thời gian, số lần trong một năm người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính. Chuyển đổi số phục vụ cơ quan nhà nước; Chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp; Chuyển đổi số công tác thống kê và dự báo tình hình kinh tế – xã hội.
Đồng thời, chuyển đổi số trong quản lý kế hoạch và dự án đầu tư công để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí hoạt động; tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý kế hoạch đầu tư công, nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động và sử dụng vốn đầu tư công từ Trung ương tới địa phương. Chuyển đổi số trong hoạt động nội bộ của Bộ nhằm tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động. Chuyển đổi số phục vụ trao đổi thông tin, dữ liệu, phục vụ công tác tuyên truyền, truyền thông trên mạng.
Phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển Công nghệ thông tin tại Bộ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia trong Bộ, tạo lập môi trường chia sẻ thông tin, dữ liệu của Bộ và các hệ thống thông tin khác.
Chuyển đổi số nhằm cung cấp công cụ quản lý, chia sẻ dữ liệu và tạo môi trường số để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ, ngành tổ chức, quản lý và điều hành công việc một cách hiệu quả hơn; tăng cường công khai, minh bạch trong công vụ, phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chi phí, thời gian, tăng năng suất lao động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2025, 100% văn bản được gửi, nhận điện tử trên môi trường mạng (trừ văn bản thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 70% hồ sơ lưu trữ được số hóa và lưu trữ điện tử. 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế – xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Bộ, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Bộ chủ trì được thực hiện trực tuyến thông qua hệ thống thông tin báo cáo của Bộ và các hệ thống thông tin chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ và được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ chủ trì xây dựng, quản lý vận hành được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế – xã hội; 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của các đơn vị quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin; 100% công chức viên chức và người lao động được phổ cập kỹ năng chuyển đổi, an toàn an ninh mạng; 100% các đơn vị thuộc Bộ được đánh giá chuyển đổi số; 100% công tác kế toán, quản lý tài sản được thực hiện trên môi trường số; 100% công tác theo dõi nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ giao Bộ, của Lãnh đạo Bộ giao các đơn vị và của các đơn vị được thực hiện trên môi trường số; 100% thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp được quản lý trên môi trường số, được kết nối tích hợp với hệ thống phản anh, kiến nghị của Chính phủ; 50% chế độ báo cáo cấp bộ; chế độ báo cáo cấp tỉnh, huyện, xã tần suất nhanh (trực tuyến) phục vụ công tác quản lý điều hành trong ngành Thống kê từ trung ương đến địa phương được thực hiện trên môi trường số; 100% báo cáo giám sát đầu tư của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty thực hiện trên môi trường số; 100% các dịch vụ công được chuyển đổi sử dụng VNeID để xác thực; Hoàn thiện kho dữ liệu và nền tảng quản trị số của Bộ; 100% các hệ thống thông tin, CSDL được phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ và triển khai phương án được phê duyệt; 100% các hệ thống thông tin, CSDL được giám sát và duy trì chia sẻ thông tin giám sát với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia; 100% các Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được triển khai đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp (Theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ).
Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% các hệ thống thông tin và CSDL thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ được xây dựng, hoàn thiện; 100% hồ sơ lưu trữ được số hóa và lưu trữ điện tử; 100% hồ sơ cán bộ công chức, viên chức được số hóa và đồng bộ với CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 70% hoạt động kiểm tra, giám sát của các đơn vị quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin; 100% công tác lập kế hoạch đầu tư công từ trung ương tới địa phương được thực hiện trên môi trường số; Tổ chức khai thác, vận hành kho dữ liệu tổng hợp của Bộ sử dụng các công nghệ BigData, AI để quản lý, phân tích, cung cấp thông tin hỗ trợ ra quyết định cho các cấp lãnh đạo; 100% chế độ báo cáo cấp bộ; chế độ báo cáo cấp tỉnh, huyện, xã tần suất nhanh (trực tuyến) phục vụ công tác quản lý điều hành trong ngành Thống kê từ trung ương đến địa phương được thực hiện trên môi trường số.
7 nhóm giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số
Về nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, Đề án đưa ra 7 giải pháp cụ thể, gồm: nhận thức số; hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng số; phát triển dữ liệu số; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.
Trong đó, về giải pháp nhận thức số nêu rõ, người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức mình phụ trách. Tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Đẩy mạnh triển khai các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển Chính phủ điện tử. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng số; Xây dựng Kế hoạch, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức của Bộ; Xây dựng lồng ghép các hoạt động chuyển đổi số của Bộ trong các tiêu chí đánh giá, thi đua khen thưởng hằng năm của tập thể và cá nhân trong Bộ; Phổ cập kỹ năng số; Tiếp tục thực hiện đánh giá chỉ số chuyển đổi số tại các đơn vị thuộc Bộ; Cung cấp đầy đủ thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ theo quy định hiện hành.
Về phát triển hạ tấng số, phát triển Hạ tầng chính phủ số phục vụ các hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở kết hợp thế mạnh của Mạng Truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet, trung tâm dữ liệu của cơ quan nhà nước để phục vụ kết nối liên thông, xuyên suốt 4 cấp hành chính, sử dụng cơ chế mã hóa và công nghệ bảo đảm an toàn, an ninh mạng một cách an toàn, bảo mật. Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của Bộ một cách an toàn, linh hoạt, ổn định và hiệu quả.
Đối với giải pháp về phát triển dữ liệu số, triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công (phiên bản mới) trên toàn quốc. Tiếp tục hoàn thiện Hệ thống đáp ứng các yêu cầu thay đổi của Luật và yêu cầu thực tiễn về quản lý nhà nước. Hoàn thiện Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư, triển khai trên toàn quốc. Thực hiện duy trì, nâng cấp và phát triển Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Triển khai việc chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu quốc gia đấu thầu qua mạng để đơn giản hóa thủ tục kê khai, đăng ký nhà thầu qua mạng, CSDL quốc gia về dân cư. Triển khai việc chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với các Bộ, ngành, địa phương có nhu cầu nhằm thúc đẩy quá trình đơn giản hóa thành phần hồ sơ, thủ tục hành chính cho các Bộ, ngành, địa phương…
Về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, triển khai các phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình bảo vệ 4 lớp. Hoàn thiện Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng của Bộ, đảm bảo kết nối đầy đủ với Trung tâm giám sát thông tin quốc gia. Rà soát, cập nhật và trình phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ theo quy định mới và thực hiện triển khai ngay phương án sau khi được phê duyệt. Định kỳ, đột xuất thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng theo quy định của pháp luật và của Bộ…
Theo đó, các đơn vị trong Bộ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị. Phổ biến quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định, hướng dẫn về chuyển đổi số để nâng cao nhận thức và vai trò của chuyển đổi số. Nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ và Bộ trưởng với tinh thần quyết tâm cao nhất để hoạt động chuyển đổi số tại Bộ thực chất và đạt hiệu quả.
Thực hiện nghiêm quy chế đảm bảo an toàn, an ninh mạng máy tính của Bộ. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản nội quy sử dụng máy tính độc lập trong việc soạn thảo văn bản có nội dung chứa bí mật nhà nước. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế nội bộ về quản lý, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng.
Đồng thời, sử dụng thống nhất các hệ thống, nền tảng dùng chung của Bộ: Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; Nền tảng số quản trị tổng thể; Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Nền tảng họp trực tuyến; Hệ thống thông tin báo cáo; Nền tảng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu tại Kế hoạch hoạt động của UBQG về chuyển đổi số. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan.
Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ 6, 7 tại mục III. Định kỳ hàng tháng rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án và gửi báo cáo về Trung tâm Công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Thời gian gửi báo cáo trước ngày 05 hàng tháng./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-11-11/Bo-Ke-hoach-va-Dau-tu-phe-duyet-De-an-Chuyen-doi-sezq132.aspx