(MPI) – Ngày 13/6/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi làm việc với Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương về tình hình triển khai chương trình, đề án.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Tham gia buổi làm việc, về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hoàng Mạnh Phương; đại diện một số đơn vị liên quan thuộc Bộ. Về phía Đoàn công tác có Tổ trưởng Tổ Thư ký Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; một số thành viên Tổ Thư ký.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các đơn vị đã quán triệt sâu sắc tinh thần, nội dung Quyết định 407/QĐ-TTg, Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để thống nhất nhận thức và hành động cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình; đưa công tác truyền thông chính sách ngang tầm nhiệm vụ trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Triển khai Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 về việc phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”, Bộ đã ban hành các văn bản nhằm quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện Đề án này; Bộ đã ban hành Quyết định nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 407/QĐ-TTg thành các nhiệm vụ cụ thể, giao các đơn vị chủ trì soạn thảo các văn bản của Bộ trên cơ sở Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trong năm 2023, 2024, căn cứ nội dung, tính chất dự thảo chính sách và yêu cầu thực tiễn chủ động, kịp thời xây dựng Kế hoạch hoặc lồng ghép tổ chức truyền thông dự thảo chính sách hằng năm; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo đảm các biện pháp an ninh, an toàn thông tin trong quá trình thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật xây dựng tài liệu, nội dung truyền thông dự thảo chính sách bảo đảm đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phong phú, sinh động để đăng tải trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của Bộ, Cổng Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia và cung cấp cho các cơ quan thông tin, báo chí phục vụ hoạt động truyền thông dự thảo chính sách.
Trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức để tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội thông qua việc đăng tải dự thảo toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trên các Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, … theo quy định của pháp luật để lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp trên phạm vi cả nước; tổ chức các cuộc họp, Hội thảo, Hội nghị lấy ý kiến đầy đủ đối tượng chịu sự tác động từ Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội… và có sự tham gia của cơ quan thông tin, báo chí. Nội dung xin ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bao gồm toàn văn dự thảo văn bản; các chính sách pháp luật thay đổi nổi bật cần xin ý kiến rộng rãi; các nội dung mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, các vấn đề khó cần có nhiều ý kiến khác nhau để tạo sự thống nhất cao giữa các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp…
Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thiết kế một số chuyên mục độc lập để công dân chủ động tiếp cận chính sách mới tại dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật như Chuyên mục Góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (https://www.mpi.gov.vn/Pages/chuyenmuctin.aspx); Chuyên mục Hỏi – Đáp chính sách (https://www.mpi.gov.vn/Pages/chuyenmuctin.aspx); Chuyên mục Trả lời Cử tri https://www.mpi.gov.vn/Pages/TraloichatvanQH.aspx)…; cùng với đó, thường xuyên cập nhật thông tin về cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Luật, Nghị quyết, Nghị định để đăng tải, truyền thông các chính sách liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thiết kế một chuyên mục độc lập về tiếp cận thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (https://www.mpi.gov.vn/Pages/congkhaithongtin.asp). Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật, đăng tải toàn bộ Danh mục thông tin phải được công khai; thông tin về đầu mối cung cấp thông tin cho công dân; địa chỉ tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin qua mạng điện tử; các mẫu phiếu sử dụng trong cung cấp thông tin; các hướng dẫn, tài liệu để hỗ trợ người yêu cầu cung cấp thông tin.
Về tình hình thực hiện Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” và Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Bộ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thường xuyên cập nhật, đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; công bố công khai thông tin về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, thông tin về đấu thầu, thông tin về đầu tư ra nước ngoài trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, Cổng thông tin doanh nghiệp, Hệ thống thông tin theo dõi, giám sát đầu tư công để giúp cho người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin và thực hiện được quyền của mình khi tham gia các quan hệ pháp luật kinh doanh, đấu thầu, đầu tư.
Hằng năm, Bộ đã chủ trì tổ chức các cuộc họp, thảo luận với cộng đồng doanh nghiệp (phục vụ cho Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp) nhằm lắng nghe khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó lồng ghép vào các báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và địa phương giải quyết theo thẩm quyền.
Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó lồng ghép vào các báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và địa phương giải quyết theo thẩm quyền.
Đồng thời, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế thực hiện Chương trình, đảm bảo khả thi và hiệu quả, trong đó có hướng dẫn về nguyên tắc đo lường, đánh giá và công nhận doanh nghiệp bền vững; tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng hiệu quả của tổ chức đo lường đánh giá và công nhận doanh nghiệp bền vững.
Công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và DNNVV tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực theo tinh thần và các nhiệm vụ, giải pháp đã được giao tại Luật Hỗ trợ DNNVV và các Nghị quyết của Chính phủ.
Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các chương trình, đề án và nguyên nhân. Từ đó, đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp để nâng cao hiệu quả triển khai các chương trình, đề án trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, một số thành viên Tổ thư ký ghi nhận những kết quả đạt được của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện các chương trình, đề án về truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời nhấn mạnh thêm đến các vấn đề liên quan đến tăng cường bồi dưỡng về mặt pháp lý cho doanh nghiệp; các mô hình, cách thức truyền thông;…
Tổ trưởng Tổ Thư ký Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Tư pháp cảm ơn những thông tin, trao đổi thẳng thắn, cởi mở của các đại biểu; ghi nhận những kết quả tích cực mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đạt được trong thời gian qua cũng như chia sẻ với những khó khăn mà Bộ đang gặp phải. Đồng thời đề nghị trên cơ sở các ý kiến phát biểu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hoàng Mạnh Phương, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảm ơn các ý kiến phát biểu và cho biết, Bộ đã làm công tác truyền thông chính sách khá tốt. Hàng năm, Bộ đều ban hành quyết định truyền thông chính sách với từng nội dung, phương án, kế hoạch cụ thể. Đồng thời chia sẻ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ tham mưu tổng hợp, liên quan đến nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội như đầu tư; đấu thầu; phát triển doanh nghiệp;… nên áp lực rất lớn, số lượng công văn nhiều, nhiều văn bản cần phải xin ý kiến của nhiều bộ, ngành liên quan.
Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về truyền thông chính sách, tiếp cận pháp luật cho các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan hoặc bố trí báo cáo viên để trao đổi, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực này tại các lớp tập huấn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đưa công tác này phát triển sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên hệ thống thông tin truyền thông, các dự thảo chính sách được thực hiện linh hoạt bằng nhiều hình thức trên hệ thống các phương tiện thông tin, đại chúng; các ứng dụng mạng xã hội. Xây dựng, đăng tải tài liệu truyền thông phù hợp với từng đối tượng để cung cấp thông tin dự thảo chính sách cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Tổ chức truyền thông qua nhiều loại hình: hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, diễn đàn, các phóng sự, phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-6-13/Bo-Ke-hoach-va-Dau-tu-lam-viec-voi-To-Thu-ky-giup-srhi4k.aspx