(MPI) – Tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã quyết nghị đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ đã giao tại văn bản số 41/TTg-QHĐP ngày 10/01/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, trong đó đề xuất 06 đối tượng được xem xét hỗ trợ đầu tư bao gồm: Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Doanh nghiệp công nghệ cao; Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; Doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển; Doanh nghiệp có dự án xanh/tăng trưởng xanh trọng điểm; Doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt, tiên phong.
Theo dự thảo Tờ trình xây dựng Nghị định, việc đề xuất các đối tượng nêu trên là do tiêu chí xác định doanh nghiệp cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao đã được quy định tại pháp luật công nghệ cao, theo đó việc ưu đãi cho những đối tượng này sẽ không gây xáo trộn và tăng thêm nhiều thủ tục hành chính so với quy định hiện tại.
Phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam về mặt dài hạn trong chuỗi cung ứng quốc tế nhắm đến việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao made-in-Vietnam. Đặc biệt, là trong các ngành nghề lĩnh vực công nghệ cao đang là xu hướng mới trên thế giới như chíp, bán dẫn… khuyến khích, thúc đẩy việc đưa hoạt động nghiên cứu và phát triển về Việt Nam thông qua các trung tâm nghiên cứu và phát triển để nâng cao nền tảng công nghệ gốc, phát triển nhân lực khoa học công nghệ tại Việt Nam.
Phù hợp với tính chọn lọc của chính sách để tập trung nguồn lực nhằm thu hút đầu tư vào một lĩnh vực ưu tiên, tránh hỗ trợ dàn trải, tạo sự đột phá để đảm bảo vị thế cạnh tranh của Việt Nam, hạn chế thấp nhất tác động đến ngân sách nhà nước. Bản thân các sản phẩm và công nghệ thuộc lĩnh vực “công nghệ cao” theo Danh mục của Chính phủ cũng đã tương đối đa dạng, bao gồm cả các lĩnh vực về bán dẫn, điện tử, công nghiệp chế tạo, năng lượng như hydrogen, vật liệu, sinh học, môi trường v.v…theo đó đối tượng áp dụng vừa chọn lọc, lại vừa đủ phổ quát để khuyến khích đầu tư vào các sản phẩm, công nghệ tiên tiến.
Đồng thời, phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Theo Dự thảo, hình thức hỗ trợ đầu tư bao gồm: Hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển; Hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; Hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Hỗ trợ chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội.
Về tiêu chí và điều kiện hỗ trợ, theo Dự thảo, các doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng điều kiện sau: Có dự án đạt quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm.
Hoàn thành giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 05 năm hoặc 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp dự án đầu tư được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau ngày Nghị định này có hiệu lực.
Các doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển phải đáp ứng điều kiện sau: Có quy mô vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng. Hoàn thành giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương.
Các doanh nghiệp có dự án thuộc Danh mục dự án xanh/tăng trưởng xanh trọng điểm phải có dự án đáp ứng điều kiện sau: Thuộc các lĩnh vực xanh/ tăng trưởng xanh trọng điểm được đề xuất triển khai từ các Bộ, ban ngành; Có các hoạt động kinh tế nằm trong Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia hoặc có các dự án đạt tiêu chí xanh theo quy định.Chi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho doanh nghiệp.
Việc lựa chọn các khoản chi phí được hỗ trợ dựa trên một số tiêu chí như phù hợp với mục tiêu của chính sách hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, có tính đột phá, tập trung vào các chi phí thiết yếu trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao; Mang tính hỗ trợ nguồn lực đầu tư thực chất, có lợi cho Việt Nam về bản chất kinh tế, phù hợp với định hướng phát triển; Phù hợp với thông lệ quốc tế, dựa trên tham khảo kinh nghiệm các quốc gia khác trên thế giới; Mang tính chọn lọc, phù hợp với tình hình ngân sách, tránh trùng lặp với các khoản hỗ trợ ưu đãi đã được bố trí nguồn kinh phí khác để thực hiện./.