(MPI) – Tại dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sáu chính sách trong cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn (Cơ chế thử nghiệm), gồm: chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; phân loại xanh; chính sách giới thiệu công nghệ, chuyển giao công nghệ; chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh; chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và chính sách đất đai. Dự thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Dự thảo có bố cục gồm 06 Chương, 27 Điều, trong đó chương I – Quy định chung bao gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II – Đăng ký và cấp giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm bao gồm 05 điều (từ Điều 9 đến Điều 13); Chương III – Các nội dung chính sách trong Cơ chế thử nghiệm gồm 06 điều (từ Điều 14 đến Điều 19); Chương IV – Giám sát, đánh giá, gia hạn và kết thúc thử nghiệm, gồm 04 điều (Điều 20 đến Điều 23); Chương V – Trách nhiệm của các bên liên quan, gồm 02 Điều (Điều 24 đến Điều 25); Chương VI – Điều khoản thi hành, gồm 02 Điều (Điều 26 đến Điều 27).
Theo Dự thảo, mục tiêu của Cơ chế thử nghiệm là tạo môi trường thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi, phát triển, vận hành thành công các dự án tham gia cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện việc làm, thu nhập cho người lao động trong quá trình tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tiếp cận, thử nghiệm, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, các giải pháp chuyển đổi số, công nghệ mới hiện đại, có tính đột phá, thích ứng với các xu hướng lớn trên toàn cầu, thân thiện với chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, phù hợp với xu hướng phát triển xanh, bền vững, tích hợp linh hoạt giữa các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng trên nền tảng đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, hiệu quả kinh tế bền vững, hạn chế tình trạng lãng phí các nguồn tài nguyên không tái tạo như: đất và nước, thích ứng với biến đối khí hậu.
Xây dựng nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm tạo ra từ dự án kinh tế tuần hoàn, cải thiện năng suất, cơ cấu lao động ổn định, thiết lập tính chủ động, tăng khả năng chống chịu, thích ứng đối với các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, thay đổi chính sách thương mại và các quy định, hàng rào kỹ thuật ở các thị trường xuất nhập khẩu.
Hạn chế rủi ro xảy ra đối với các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và người lao động khi phát triển, chuyển đổi sang các dự án kinh tế tuần hoàn chưa được quy
Dự thảo quy định cụ thể về điều kiện và tiêu chí tham gia Cơ chế thử nghiệm. Theo đó, tổ chức được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi đáp ứng đồng thời các điều kiện và tiêu chí như sau:
Về điều kiện: Là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc hoạt động theo các hình thức công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác; không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành; Có năng lực tài chính hoặc kế hoạch tiếp cận tài chính rõ ràng, khả thi; không có nợ xấu, vi phạm nghiêm trọng về thuế hoặc công bố thông tin theo quy định của pháp luật; Có dự án kinh tế tuần hoàn cụ thể hoặc đề xuất dự án kinh tế tuần hoàn cụ thể thuộc các lĩnh vực quy định gồm: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng tái tạo; vật liệu xây dựng.
Về các tiêu chí: Dự án kinh tế tuần hoàn có kế hoạch khả thi và có tiềm năng phát huy tác động tích cực cả về kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó tác động về kinh tế là chủ đạo, thể hiện qua lợi nhuận của doanh nghiệp, năng suất lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động từ việc thực hiện dự án; Dự án kinh tế tuần hoàn chủ yếu sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước.
Dự án kinh tế tuần hoàn được thiết kế trên nền tảng tiếp cận, ứng dụng và làm chủ các thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0; trường hợp nhập khẩu và sử dụng các công nghệ tiên tiến thì phải có kế hoạch rõ ràng và khả thi về chuyển giao công nghệ, làm chủ và tiến tới phát triển công nghệ ở Việt Nam.
Về các nội dung chính sách trong Cơ chế thử nghiệm, Dự thảo đưa ra các quy định về chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; phân loại xanh; chính sách giới thiệu công nghệ, chuyển giao công nghệ; chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh; chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và chính sách đất đai.
Theo đó, chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế: Dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm có các cấu phần công nghiệp – năng lượng và dịch vụ với tổng tỷ trọng ít nhất 50% trong tổng doanh thu được phép thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế.
Chính sách phân loại xanh: phân loại dự án kinh tế tuần hoàn toàn phần và kinh tế tuần hoàn bán phần. Việc xác nhận dự án hoặc hạng mục của dự án thuộc danh mục dự án kinh tế tuần hoàn toàn phần hoặc dự án kinh tế tuần hoàn bán phần được thực hiện theo một trong hai phương án sau: Tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, pháp luật về đo lường và pháp luật khác có liên quan; Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận dự án hoặc hạng mục của dự án thuộc danh mục phân loại xanh.
Chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ: Dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm được nhà nước, chính quyền địa phương hỗ trợ kết nối với chuyên gia tư vấn công nghệ, hỗ trợ tối đa 50% chi phí chuyên gia tư vấn công nghệ. Đối với các dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm được nhận chuyển giao công nghệ được nhà nước miễn thuế nhập khẩu, chuyển giao trang thiết bị công nghệ phục vụ dự án tham gia cơ chế thử nghiệm, được hưởng chế độ dự án ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khấu, nhập khấu.
Chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm được cấp giấy chứng nhận đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm được tiếp cận, huy động, vay vốn ưu đãi, vay vốn không bảo lãnh chính phủ đối với các khoản tín dụng xanh; được phép hợp tác với các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện, được phép phát hành trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật về trái phiếu, được hợp tác với quỹ đầu tư phát triển địa phương để phát hành trái phiếu xanh chính quyền địa phương, được phép liên kết đối tác trong nước, quốc tế xây dựng thử nghiệm sàn giao dịch trái phiếu xanh, tín chỉ cacbon tự nguyện ứng dụng công nghệ.
Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực: Nhà nước hỗ trợ tối đa 70% tổng chỉ phí cho một khóa quản trị doanh nghiệp cho Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm; tối đa 50% học phí đào tạo nghề, học phí chuyển đổi nghề theo thông báo học phí do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ban hành nhung không vượt quá 03 (ba) tháng lương cơ sở cho mỗi người lao động tại khu vực triển khai dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm.
Chính sách đất đai: Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm được phép sử dụng đất kết hợp đa mục đích đối với các loại đất quy định tại Luật Đất đai, bao gồm cả phần mái, mặt nước, hàng rào xung quanh bên trong ranh giới quy hoạch dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm. Diện tích đất sử dụng vào mục đích kết hợp không vượt quá diện tích đất sử dụng vào mục đích chính; Chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố ưu tiên sử dụng mặt bằng sạch có sẵn, chịu trách nhiệm giải phóng sạch mặt bằng trong trường hợp nhà đầu tư ứng tiền giải phóng mặt bằng khu đất tại địa phương có vị trí, địa hình, đặc điểm phù hợp với quy mô dự án kinh tế tuần hoàn được cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm dự kiến để triển khai xây dựng dự án./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-1-9/Bo-Ke-hoach-va-Dau-tu-de-xuat-cac-chinh-sach-trong6cgfqu.aspx