Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động bán vé, kê khai và niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không.
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về giá. Trường hợp cần thiết, đề xuất cơ quan thanh tra chuyên ngành về giá tiến hành thanh tra theo quy định pháp luật.
Cục Hàng không cần chủ trì làm việc với các hãng hàng không Việt Nam để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng tải cung ứng cho các đường bay nội địa trước mắt và lâu dài. Tạo điều kiện tối đa cho các hãng hàng không bổ sung thêm máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong giai đoạn cao điểm mùa hè và cuối năm nay…
Vì sao khách vẫn có cảm giác giá vé máy bay cao ngất ngưởng?
Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách để giảm giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và hành khách.
Đồng thời phối hợp với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các địa phương, các hãng bay, lữ hành nghiên cứu, triển khai các sản phẩm du lịch theo gói, nhằm đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng dịch vụ, giảm chi phí.
Thực hiện có hiệu quả kết nối hàng không – du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Đề án “Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cạnh đó, có các giải pháp mở thêm các đường bay quốc tế, nội địa mới đi, đến Cần Thơ. Rà soát, điều chỉnh giờ cất hạ cánh cho các chuyến bay phù hợp với tập quán sinh hoạt địa phương.
Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, các nước trong khu vực và thế giới để phân tích, dự báo, tiết giảm chi phí hạ giá thành vận tải.
Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu các hãng hàng không thực hiện nghiêm quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá và các chương trình bán vé theo quy định.
Thông tin về cơ cấu các khoản thu trong giá vé phải đầy đủ, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho hành khách. Thực hiện dải giá vé linh hoạt, tiếp tục có chính sách ưu đãi về giá trên đường bay nội địa phù hợp với nhu cầu của người dân và các chương trình du lịch, lễ hội lớn.
Chủ động thực hiện kế hoạch bổ sung thêm máy bay để tăng tải cung ứng phục vụ trong giai đoạn cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
Theo Cục Hàng không, cơ cấu chi phí 1 chuyến bay gồm 4 yếu tố. Thứ nhất, nhiên liệu hàng không (37 – 42%). Trong đó, chi phí thuế do Bộ Tài chính quy định chiếm 7,7 – 8,7% tổng chi phí một chuyến bay.
Thứ hai, chi phí thuê, mua, sửa chữa bảo dưỡng máy bay chiếm 32 – 41%. Thứ ba, chi phí phục vụ chuyến bay chiếm 6 – 7%, bao gồm cả các dịch vụ do Bộ GTVT định giá và các dịch vụ do doanh nghiệp quyết định. Thứ 4 là chi phí bán hàng, quản lý, chi phí khác (16 – 19%)… do doanh nghiệp quản trị.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bo-gtvt-yeu-cau-cuc-hang-khong-va-cac-hang-giam-gia-ve-may-bay-noi-dia-185240530185439416.htm