Bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 9/2024
Bộ GTVT vừa ban hành thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm tại buổi kiểm tra hiện trường dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Chí Thạnh – Vân Phong.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, dù quá trình thi công còn gặp nhiều vướng mắc trong công tác GPMB, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, nguồn vật liệu đất đắp mới được cấp trong khoảng thời gian từ tháng 4/2024 – 7/2024, song Ban QLDA 7 (chủ đầu tư) và các nhà thầu, tư vấn đã nỗ lực cải thiện tiến độ trong khoảng thời gian từ tháng 5/2024 đến nay.
Mặc dù vậy, theo đánh giá, công tác tổ chức thi công trên công trường dự án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt đối với gói thầu XL02 thi công xây dựng đoạn Km 24+000 – Km 48+052.
Đảm bảo dự án hoàn thành trong tháng 9/2025, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Phú Yên quan tâm chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành toàn bộ công tác GPMB trong tháng 9/2024.
Ban QLDA 7 chủ trì, cùng các nhà thầu chủ động làm việc với UBND tỉnh Phú Yên và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh bản xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác khoáng sản nhằm tận dụng khối lượng đá xen lẫn trong đất tại các mỏ đất đã cấp quyền khai thác cho dự án (Hóc Thuần, Cây Tra) để đắp nền đường, đẩy nhanh tiến độ khai thác các mỏ đất, đáp ứng công suất khai thác và nhu cầu vật liệu của dự án.
Chủ đầu tư cũng cần chỉ đạo nhà thầu, tư vấn giám sát rà soát nhu cầu vật liệu đất, đá các loại, khả năng điều phối, tận dụng vật liệu từ nền đào để có phương án hỗ trợ giữa các đơn vị trong công tác sản xuất vật liệu xây dựng.
Đối với nhu cầu còn thiếu, chủ đầu tư, nhà thầu chủ động làm việc với các cơ quan liên quan của địa phương, chủ mỏ đang khai thác trong khu vực để bổ sung nguồn cung ứng vật liệu đất đắp, nâng công suất mỏ đá đảm bảo nhu cầu, đáp ứng tiến độ thi công”, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.
Nghiên cứu giải pháp rút ngắn thời gian gia tải xử lý nền đất yếu
Về công tác tổ chức thi công, Ban QLDA 7 được giao nhiệm vụ chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị tư vấn lập lại tiến độ thi công tổng thể, tiến độ thi công chi tiết phù hợp với điều kiện thực tế về mặt bằng, vật liệu, thời tiết kèm theo nhu cầu nhân lực, máy móc thiết bị thi công, nguồn lực tài chính để tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”.
Đối với các đoạn tuyến không phải xử lý nền đất yếu, nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thiện các hạng mục hầm chui dân sinh, cống thoát nước, nền đường, gia cố mái taluy, hệ thống an toàn giao thông, đường gom, tổ chức triển khai thi công cuốn chiếu kết cấu móng, mặt đường đảm bảo tính đồng bộ, liên tục trên toàn tuyến để hoàn thành toàn bộ vào 30/4/2025.
Các chủ thể liên quan nghiên cứu giải pháp tổ chức thi công hầm Tuy An cho phù hợp với điều kiện địa chất hầm, kiểm soát chặt chẽ tiến độ, chất lượng, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong thi công và hoàn thành, đưa vào khai thác trước 30/9/2025″, văn bản nêu rõ.
Riêng các đoạn tuyến phải xử lý nền đất yếu, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn rà soát hồ sơ thiết kế để có giải pháp rút ngắn thời gian gia tải các đoạn còn vướng mặt bằng; tăng cường máy móc, thiết bị để nâng cao sản lượng khai thác các mỏ đất, chủ động về nguồn vật liệu để hoàn thành toàn bộ khối lượng gia tải giai đoạn 1 trước 30/9/2024, hoàn thành đắp nền giai đoạn 2 trước 31/12/2024.
Máy móc, thiết bị, nhân vật lực cần được chuẩn bị đầy đủ để triển khai thi công ngay hạng mục cống thoát nước ngang và các lớp móng, mặt đường trên các đoạn tuyến sau khi dỡ tải.
“Ban QLDA 7 phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch của từng đơn vị để kịp thời có các giải pháp xử lý các nhà thầu chậm tiến độ theo các quy định của hợp đồng”, Bộ GTVT chỉ đạo.
Trước đó, trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Ban QLDA 7 cho biết, bên cạnh phạm vi xử lý nền đất yếu trải dài (15km), thách thức lớn nhất trong thi công dự án đoạn Chí Thạnh – Vân Phong hiện nay là lượng đá ở các mỏ đất đặc thù khá lớn. Trong 10m3 khai thác, chỉ có 6m3 đất tận dụng được, khoảng 4m3 còn lại là đá.
“Giải bài toán trên, chủ đầu tư, nhà thầu đã xin ý kiến của các cấp thẩm quyền cho phép tận dụng lượng đá khai thác được làm vật liệu đắp. Mặt khác, chúng tôi đã làm việc với các chủ mỏ thương mại, bổ sung vật liệu đất (ngoài việc lấy ở các mỏ đặc thù) để tiến độ dự án được bảo đảm”, lãnh đạo Ban QLDA 7 thông tin.
Cao tốc Bắc – Nam đoạn Chí Thạnh – Vân Phong có tổng chiều dài hơn 48km đi qua địa bàn tỉnh Phú Yên. Điểm đầu trùng với điểm cuối dự án đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh (tỉnh Phú Yên). Điểm cuối kết nối với quốc lộ 1 và dự án hầm Đèo Cả ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư hơn 10.700 tỷ đồng.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/bo-gtvt-thuc-tien-do-thi-cong-cao-toc-chi-thanh-van-phong-192240902152938177.htm