Đã GPMB 130ha, tổng giá trị giải ngân 1.097 tỷ đồng
Bộ GTVT vừa trả lời cử tri TP Hà Nội về về đề xuất bố trí vốn thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án tổ hợp ga Ngọc Hồi, đồng thời tiếp nhận diện tích đất đã GPMB để đưa vào đầu tư dự án này, tránh tình trạng mặt bằng dự án bị lấn chiếm, đổ phế thải gây mất an ninh, trật tự tại địa phương và khó khăn trong công tác quản lý trên địa bàn huyện Thanh Trì. Cử tri cũng đề nghị sớm khởi công Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 từ Ngọc Hồi đến Yên Viên.
Bộ GTVT cho biết, Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên nhằm xây dựng tuyến đường sắt xuyên tâm, đáp ứng chức năng đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị. Dự án được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư năm 2004. Bộ GTVT đã phê duyệt dự án giai đoạn 1 năm 2008 và điều chỉnh dự án năm 2017 (bao gồm khu tổ hợp ga Ngọc Hồi).
Trên cơ sở nhu cầu, kế hoạch thực hiện của địa phương, Bộ GTVT đã bố trí đủ vốn để triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trong các giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2016-2020.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư dự án), khu tổ hợp ga Ngọc Hồi đã được địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 130ha đất với tổng giá trị giải ngân 1.097 tỷ đồng.
Triển khai Luật Quy hoạch năm 2017, Bộ GTVT đã tổ chức lập Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021.
Theo đó, đường sắt quốc gia qua Hà Nội đi theo các tuyến vành đai phía đông và vành đai phía tây (không đi vào trung tâm thành phố Hà Nội); các đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên và Gia Lâm – Lạc Đạo chuyển thành đường sắt đô thị sau khi tuyến vành đai phía đông đưa vào khai thác; giao Ủy ban nhân dân TP Hà Nội chủ trì nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1 từ Yên Viên đi Ngọc Hồi.
Hiện tại, Bộ GTVT đang lập quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội (quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành), trong đó bao gồm tổ hợp ga Ngọc Hồi với chức năng tích hợp vận tải đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, các tuyến đường sắt quốc gia thông thường như đường sắt Bắc – Nam hiện có và đường sắt vành đai phía đông, phía tây trong tương lai và các tuyến đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi, Nội Bài – Ngọc Hồi…
Hiện nay, tư vấn đã hoàn thiện báo cáo đầu kỳ và đang làm việc, lấy ý kiến của TP Hà Nội để hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, tiến độ dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Sẽ tiếp tục bố trí vốn thực hiện dứt điểm công tác GPMB tổ hợp ga Ngọc Hồi
Ngoài ra, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt vành đai phía đông và đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Ủy ban nhân dân TP Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ để nghiên cứu triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt đô thị số 1, đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên.
“Việc tiếp tục bố trí vốn thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng tổ hợp ga Ngọc Hồi và tiếp nhận diện tích đất đã giải phóng mặt bằng để đưa vào đầu tư sẽ được Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội thực hiện ngay sau khi các quy hoạch và dự án có liên quan được phê duyệt,” Bộ GTVT nhấn mạnh.
Đối với phần mặt bằng đã được giải phóng, Bộ GTVT đề nghị, trước mắt UBND TP Hà Nội quản lý để tránh tái lấn chiếm.
Với việc triển khai Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Thủ đô Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên, Bộ GTVT cho biết theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội chủ trì nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1 từ Yên Viên đi Ngọc Hồi. Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt bàn giao hồ sơ, tài liệu của dự án đã nghiên cứu trước đây cho cơ quan chuyên môn thuộc TP Hà Nội để tiếp tục thực hiện.
Ngoài ra, tại Thông báo số 195 năm 2023 về cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân TP Hà Nội sớm triển khai công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi và triển khai các thủ tục liên quan như rà soát hướng tuyến, quy hoạch nhà ga và khu vực phụ cận… để quản lý quy hoạch, phát triển kinh tế – xã hội khu vực xung quanh tuyến đường.
“Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân TP Hà Nội trong quá trình triển khai tổng thể của dự án đường sắt đô thị này”, Bộ GTVT trả lời.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/bo-gtvt-phan-hoi-de-xuat-gpmb-to-hop-ga-ngoc-hoi-192231004095513925.htm