(ĐCSVN) – Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, tới đây, Bộ GTVT sẽ có mô hình tổ chức mới, đồng bộ được vấn đề giao thông với xây dựng đô thị và nông thôn. Đây là sự thay đổi theo chiều hướng mạnh lên, đồng bộ hơn, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước: “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu quả” theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành Giao thông vận tải diễn ra chiều 30/12, tại Trụ sở Chính phủ. |
Năm 2024, Bộ GTVT giải ngân được hơn 60.200 tỷ đồng
Chiều 30/12, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh cho biết, năm 2024, Bộ GTVT được giao khoảng 75.481 tỉ đồng (trong đó 71.288 tỉ đồng được giao và kéo dài theo Kế hoạch năm 2024; 4.193 tỉ đồng được giao bổ sung từ tháng 11.2024).
Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 60.200 tỉ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch.
Về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, năm 2024, Bộ GTVT đã ban hành 33 Thông tư theo thẩm quyền; hoàn thành, trình Chính phủ 10/10 dự thảo văn bản theo Chương trình, kế hoạch đề ra; Tích cực xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đường bộ với các chính sách lớn có tác động tích cực đến xã hội….
Về đột phá kết cấu hạ tầng, năm 2024, sau hơn 18 năm triển khai nghiên cứu bài bản, thận trọng, khoa học, Bộ GTVT đã hoàn thành nghiên cứu, báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết về Đề án đầu tư Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8 tháng 11 vừa qua.
Trong năm, Bộ GTVT đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án; nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp đã được tập trung xử lý, tháo gỡ như giải phóng, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam. Đến nay tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo. Hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm 500 ngày đêm đưa 3.000 km đường bộ cao tốc về đích năm 2025, một số dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3 – 6 tháng. Nhiều dự án khác đang được chủ đầu tư, nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công “3 ca 4” kíp để đẩy nhanh tiến độ với quan điểm: Không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ.
Về lĩnh vực hàng không, theo ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines), năm 2024, Vietnam Airlines đã liên tục rà soát, điều chỉnh sản phẩm trên cơ sở mục tiêu đảm bảo thị phần, hiệu quả, cân đối các vấn đề nguồn lực tàu bay và slots hạ cất cánh.
Giờ khai thác bình quân đạt 11 giờ/tàu/ngày, tăng 25% so cùng kỳ và tăng 7% so 2019; Tổng số chuyến bay đạt gần 140 nghìn chuyến, tăng hơn 7% so cùng kỳ, phục hồi 95% so 2019. Số khách vận chuyển trên toàn mạng đạt ước đạt gần 23 triệu khách, tăng gần 8% so cùng kỳ, gần như phục hồi hoàn toàn so 2019 (trên 99%). Doanh thu công ty mẹ ước đạt trên 84 nghìn tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu cân đối hiệu quả sảnxuất kinh doanh trong năm…
Tương tự, lĩnh vực hàng hải cũng có sự tăng trưởng vượt bậc. Theo lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, năm 2024, sản lượng hàng hoá qua cảng đạt hơn 850 triệu tấn, trong đó, sản lượng container thông qua các cảng biển lên đến 30 triệu Teus. Trong khi đó, cách đây 10 năm, con số dự báo đến năm 2025 chỉ đạt 23-24 triệu Teus. Điều này, cho thấy sự tăng trưởng sản lượng hàng hoá của ngành hàng hải rất lớn, có khả năng trở thành một trong những trung tâm hàng hoá trung chuyển của khu vực.
Ngành GTVT phải tinh – gọn – mạnh – hiệu lực – hiệu quả
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà bày tỏ ấn tượng với những con số và sự phát triển mạnh mẽ của ngành GTVT và đã vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt các công việc của năm qua.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết: “Với một vị trí ngành phát triển hạ tầng, đi trước mở đường, giao thông đi đến đâu mở ra ấm no đến đó. Giao thông bao gồm 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không tạo ra sự kết nối các lĩnh vực kinh tế, địa phương và quốc gia với nhau”.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, tới đây, Bộ GTVT sẽ có mô hình tổ chức mới, đồng bộ được vấn đề giao thông với xây dựng đô thị và nông thôn. Đây là sự thay đổi theo chiều hướng mạnh lên, đồng bộ hơn, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước: “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu quả” theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Đưa ra nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải tính toán, nhìn nhận ưu tiên hơn giao thông vùng miền như giao thông đường thủy ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Các tuyến giao thông khi đầu tư phải trong hệ sinh thái kết hợp với nhau như Sân bay Quốc tế Long Thành khi hoàn thành và đưa vào khai thác thì phải phát huy được khi các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt đồng bộ.
“Năm 2025 ngành GTVT xác định được các dự án đầu tư trọng điểm, đặt vấn đề cải cách thể chế trong lĩnh vực đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không. Bộ sớm đặt các dự án như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ các khâu chuẩn bị thủ tục đầu tư, khởi công,” Phó Thủ tướng nói./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/bo-giao-thong-van-tai-se-co-mo-hinh-to-chuc-moi-dong-bo-hon-687637.html