NDO – Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ quan điểm không được “Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền” tại Dự thảo Luật Nhà giáo.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, phản biện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một số điều chỉnh trong Dự thảo Luật Nhà giáo.
Bên cạnh quy định rõ hơn những việc nhà giáo không được làm, dự thảo Luật Nhà giáo quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo, như: Không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định; Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo,…
“Có ý kiến băn khoăn về quy định không được “Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo” vì cho rằng quy định này sẽ vướng các quy định về thông tin, phát ngôn và “bênh vực” nhà giáo. Tuy nhiên, quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Nhà giáo nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định” – Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải.
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là người học.
Đề xuất không “công khai thông tin về sai phạm giáo viên khi chưa có kết luận chính thức” của Bộ Giáo dục và Đào tạo bên cạnh các ý kiến đồng thuận cũng gặp phải ý kiến phản đối. Theo đó, giáo viên là công chức, viên chức và cũng như các công dân và nhóm khác trong xã hội, đều chịu sự giám sát, bị phê bình theo các phương thức hợp pháp khi có sai phạm.
Nguồn: https://nhandan.vn/bo-giao-duc-va-dao-tao-giu-quan-diem-gioi-han-cong-khai-sai-pham-cua-nha-giao-post838571.html