TP – Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngành giáo dục đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đến giáo dục đại học (ĐH). Ngành cơ bản đã số hóa thông tin phục vụ công tác quản lí tại tất cả các bậc học. Dữ liệu của ngành đã được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm để khai thác dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lí.
TP – Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết, ngành giáo dục đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đến giáo dục đại học (ĐH). Ngành cơ bản đã số hóa thông tin phục vụ công tác quản lí tại tất cả các bậc học. Dữ liệu của ngành đã được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm để khai thác dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lí.
Đối với giáo dục ĐH, tuyển sinh những năm gần đây hoàn toàn thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Đến nay, các cơ sở đào tạo khi thực hiện đề án tuyển sinh với các minh chứng của đề án tuyển sinh đều đã được số hóa. Trên cơ sở dữ liệu, Bộ đã triển khai rất nhiều ứng dụng và trong tương lai sẽ tiếp tục triển khai nhiều ứng dụng khác có liên quan để thực hiện chuyển đổi số.
Theo ông Hải, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung đến nay khá hoàn chỉnh với thí sinh. Thí sinh đóng lệ phí qua hình thức trực tuyến và cung cấp dữ liệu cần thiết khi xét tuyển ĐH. Hằng năm, có hơn 700.000 thí sinh tham gia xét tuyển ĐH với 3,5 triệu nguyện vọng đăng kí được hệ thống thực hiện hoàn toàn tự động.
Ông Hải thông tin, một trong những nhiệm vụ mà Bộ GD&ĐT chuẩn bị triển khai thời gian tới là văn bằng số. Bộ GD&ĐT sẽ triển khai văn bằng số từ bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp các phương thức đào tạo ĐH, sau ĐH sẽ được số hóa và văn bằng giấy vẫn tồn tại.
“Văn bằng là đầu ra nhưng sẽ gắn với những dữ liệu liên quan đến đầu vào và quá trình đào tạo. Đây là bước quan trọng để nâng cao quản lí chuỗi đào tạo từ đầu vào cho đến đầu ra, hạn chế các vấn đề về bằng giả, tiêu cực về văn bằng. Khi văn bằng được số hóa sẽ không còn bằng giả”, ông Hải nói.
Một chính sách khác cũng chuẩn bị được triển khai và có nhiều tác động là học bạ số. Theo ông Hải, từ năm 2024, Bộ GD&ĐT đã thí điểm học bạ số, tới năm 2025 dự kiến sẽ triển khai chính thức. Hiện nay, các trường ĐH khi xét tuyển vẫn dùng học bạ nửa số và nửa giấy.
Dữ liệu ban đầu để các trường xem xét là dữ liệu số, nhưng khi thí sinh trúng tuyển lại phải mang học bạ giấy để xác nhận. Thời gian tới, sẽ không còn học bạ giấy mà thay thế hoàn toàn bằng học bạ số, có giá trị pháp lí trong các tình huống sử dụng.
Nguồn: https://tienphong.vn/bo-gddt-trien-khai-van-bang-so-post1699141.tpo