Học phí chưa bù đắp chi phí đào tạo
Theo Bộ GD&ĐT tại hội nghị đại học năm 2024, diễn ra ngày 9/8 tại Hà Nội, mặc dù học phí thực hiện theo cơ chế giá quy định tại Luật Giá, Luật Giáo dục và theo Nghị quyết số 19-NQ/TW nhưng khung và mức thu học phí còn quá thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo.
Bên cạnh đó, quyết định tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) từ ngày 1/7 vừa qua, khiến quỹ tiền lương của các đơn vị hằng năm tăng cao, gây khó khăn trong cân đối nguồn thu để duy trì hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, việc đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học (GDĐH) đang theo xu hướng giảm trong những năm gần đây. Nhiều cơ sở GDĐH công lập không có đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo (tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định) và tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo.
Học phí của các cơ sở GDĐH công lập còn chậm được điều chỉnh để bảo đảm bù đắp đủ chi phí theo lộ trình quy định nên ảnh hưởng đến khả năng tự chủ tài chính của các cơ sở GDĐH.
Ngân sách chi thường xuyên hàng năm tiếp tục cắt giảm gây khó khăn cho các đơn vị. Trong khi đó, mức thu học phí vẫn chưa thể thực hiện lộ trình tính đủ chi phí đào tạo bởi tăng học phí sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, nên các trường vẫn đưa ra mức học phí chưa tính đủ chi phí, điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn thu của đơn vị.
Các nhà trường vẫn phải thực hiện mức thu học phí theo quy định của nhà nước, mức thu thấp, gây khó khăn cho các đơn vị.
Trong khi mức lương phải thực hiện theo ngạch bậc đúng quy định nhưng nội dung mức chi phải đúng quy định nhà nước, đặc biệt các trường không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp, dẫn đến đời sống cán bộ, giáo viên khó khăn.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết mặc dù năm nay học phí đã tăng theo lộ trình nhưng cùng với việc tăng lương cơ sở, trong 7 tháng từ nay đến cuối năm, nhà trường cần chi thêm khoảng 12 tỷ đồng để tăng lương cho cán bộ giảng viên. Điều này gây áp lực rất lớn lên vai không chỉ trường này mà cả lãnh đạo các nhà trường khác.
“Liệu cơm gắp mắm”
Trước khó khăn về việc tăng lương và nguồn thu từ học phí còn thấp, theo GS Trình, nhà trường phải “liệu cơm gắp mắm”, các bên tham gia phải chia sẻ cùng nhau. Cụ thể nhà trường chia sẻ với gia đình người học bằng các biện pháp tiết kiệm chi phí, tăng biện pháp quản trị. Người học coi đây là một nguồn đầu tư về sau.
GS Trình cho rằng, nhà trường không thể tăng học phí quá mức vì như vậy sẽ trái quy định và gây áp lực lên gia đình người học, trong khi đó lương cán bộ giảng viên phải tăng theo lộ trình.
Hiện nhà trường có khoảng 300 cán bộ giảng viên chính thức và khoảng 100 giảng viên mời từ bên ngoài. Trước tình hình này, một số kế hoạch dự định thực hiện năm nay, sẽ phải lùi sang năm sau để dành vốn cho việc tăng lương.
“Việc tăng lương rất nặng cho nhà trường. Thời gian qua, chúng tôi chịu bài toán cạnh tranh giảng viên giỏi, nhất là các ngành công nghệ, kỹ thuật…
Nếu đảm bảo đủ sống, lương của các ngành này phải tương đối so với các doanh nghiệp đang trả, chẳng hạn doanh nghiệp trả cho họ 10, các trường phải cố gắng trả được 8 họ mới yên tâm để ở lại.
Nếu nhà trường chỉ trả khoảng 3,4, rất khó giữ chân giảng viên. Điều này là bài toán đặt nặng lên vai các lãnh đạo cả trường công lẫn trường tư.
Vậy nên giải pháp của chúng tôi cố gắng sử dụng hiệu quả ngân sách, tăng lương cho giảng viên nhưng học phí của sinh viên tăng chậm”, GS Trình cho hay.
Về phía đào tạo, trước mắt nhà trường ưu tiên đầu tư cho giáo trình bài giảng, chương trình đào tạo, thiết bị thực hành thực tập, quản trị hiệu quả, các thiết bị máy móc thí nghiệm.
Một số chi phí khác liên quan đến cơ sở vật chất, nhà trường phải cân nhắc chọn phương án hiệu quả thay cho đẹp. “Do đó, những chi phí như: Nhà trường đẹp, chỗ ngồi đẹp, hệ thống quản trị đẹp…, đều phải tiết kiệm, chưa vội thực hiện và chờ thời gian”, GS Trình nói.
Năm học 2023-2024, học phí một số khối ngành được tiến hành thu như sau: Khối ngành Nhân văn, Khoa học xã hội, du lịch khách sạn là 12 triệu đồng/năm; Khối ngành CNTT, kiến trúc, xây dựng là 14,5 triệu đồng/năm; Khối ngành sức khỏe: 18,5 triệu đồng/năm. Học phí các năm tiếp theo tăng theo lộ trình để đảm bảo đến năm học 2026-2027 bù đắp chi phí đào tạo.
Đối với trường tự chủ chi thường xuyên hoặc tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư được áp dụng hệ số 2 hoặc 2,5 lần.
Ngoài ra, đối với chương trình đạt mức kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, cơ sở GDĐH được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.
Đối với trường dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí do mình quyết định (nội dung này được quy định tại Luật Giáo dục).
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/bo-gddt-thua-nhan-dh-van-kho-khan-phai-lieu-com-gap-mam-du-tang-hoc-phi-20240809145138195.htm