Ngày 13.8, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, số lượng môn thi và định dạng cấu trúc đề thi có sự thay đổi lớn theo hướng đánh giá năng lực.
Do đó, theo ông Thưởng, công tác chuẩn bị cần được triển khai từ sớm, từ xa, cần thời gian thử nghiệm và tập huấn kỹ; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả hơn nữa trong nhiều khâu của kỳ thi.
Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi từ năm 2025, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để triển khai; xây dựng công bố cấu trúc định dạng đề thi (theo quyết định số 764 ban hành ngày 8.3) làm căn cứ để các sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh.
Bộ GD-ĐT cũng thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2025.
Thứ trưởng Thưởng cũng thông tin về thay đổi trong quy trình xây dựng đề thi. Theo đó, thư viện, ngân hàng câu hỏi thi có tính mở cũng đã được Bộ GD-ĐT xây dựng. Các câu hỏi nguồn được đóng góp từ mọi nguồn lực trong ngành, tạo ra thư viện mở. Từ thư viện mở này, Bộ GD-ĐT mời các chuyên gia lựa chọn để tạo đề thi. Đề thi sẽ được thử nghiệm trên diện rộng tại các địa phương.
Cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đã chủ động rà soát các hệ thống phần mềm để phục vụ công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
“Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để các địa phương chủ động triển khai. Trong đó, sớm ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; sớm công bố đề thi minh họa để các địa phương, giáo viên và học sinh chuẩn bị ôn tập cho kỳ thi”, ông Thưởng nói.
Vẫn theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, năm học 2024 – 2025, lần đầu tiên khung kế hoạch thời gian năm học có nêu dự kiến thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (ngày 26 và 27.6.2025 – PV) để các địa phương, trường học chủ động hoạt động dạy và học cũng như các kế hoạch khác.
Trước đó, trong văn bản chỉ đạo về kiểm tra, đánh giá đối với cấp trung học, Bộ GD-ĐT yêu cầu tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT.
Đáng chú ý, văn bản của Bộ GD-ĐT nêu: “Đối với môn ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.
Việc không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa để đưa vào đề thi tốt nghiệp môn ngữ văn từ năm 2025 cũng được các nhà giáo đồng tình ủng hộ và cho rằng đây là cách làm tất yếu để triệt tiêu tình trạng dạy và học theo văn mẫu, nhưng khi văn hóa đọc của chúng ta chưa cao thì cấu trúc, định dạng của đề thi rất cần một lộ trình thích hợp, đảm bảo tính vừa sức, tính tích hợp, sự kế thừa, tính liền mạch của tư duy…, vừa giảm áp lực cho học trò, cũng làm tăng tính khoa học, tạo mối liên hệ hữu cơ giữa các thành tố trong một chỉnh thể đề thi.
Theo quyết định của Bộ GD-ĐT, từ năm 2025, thí sinh sẽ chỉ thi 4 môn tốt nghiệp THPT. Trong đó, có 2 môn thi bắt buộc là ngữ văn, toán; 2 môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ).
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ chỉ có duy nhất môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. Đề thi gồm 2 phần: đọc hiểu (4 điểm) và viết (6 điểm). Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bo-gd-dt-se-som-cong-bo-de-minh-hoa-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-185240813170420783.htm