Ông Đức nhấn mạnh quy định cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo (viết tắt là GCN) trong nội dung dự kiến đưa vào khi xây dựng luật Nhà giáo (NG) để xin ý kiến rộng rãi. Trên cơ sở đó Bộ GD-ĐT nghiên cứu, tiếp thu.
CẤP CHO NGƯỜI ĐẠT CHUẨN NGHỀ NGHIỆP NHÀ GIÁO
Ông Đức nêu những bất cập hiện nay liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của NG. Cụ thể, tại các cơ sở giáo dục công lập, NG cần phải được công nhận hết tập sự và có quyết định tuyển dụng. Khi thuyên chuyển đến cơ sở giáo dục khác thì các quyết định đó không có giá trị sử dụng, gây nhiều khó khăn. Mặt khác, trong quá trình phát triển chuyên môn nghiệp vụ thì NG phải được đánh giá và cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, thủ tục này chưa thật sự hợp lý.
Tại cơ sở giáo dục ngoài công lập, NG không được đánh giá để công nhận hết tập sự và xác nhận thăng tiến về năng lực hoạt động giáo dục, chuyên môn, nghiệp vụ để làm căn cứ cho việc bảo đảm các chế độ chính sách. Việc này gây bất bình đẳng giữa NG công lập và ngoài công lập, kể cả trong cùng một cơ sở giáo dục ngoài công lập; đồng thời gây khó khăn cho việc trao đổi giữa 2 cơ sở.
Ông Đức phân tích thêm, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc trao đổi NG giữa VN và các nước khác ngày càng nhiều. Tuy nhiên, hiện nay đang có khoảng cách nhất định giữa trình độ đầu ra của các trường đào tạo NG với các yêu cầu kỹ năng, năng lực thực tế. Vì vậy, việc không có GCN thường gây khó khăn cho việc bảo đảm chất lượng NG từ nước ngoài vào VN giảng dạy. Ngoài ra, còn nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn khi trao đổi, kể cả NG là người VN ra nước ngoài và người nước ngoài vào VN.
Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo Bộ GD-ĐT khẳng định không làm phát sinh thủ tục hành chính
Ông Đức nhấn mạnh: “GCN là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của VN cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Qua đó, xác nhận họ đáp ứng đủ các yêu cầu hoạt động nghề nghiệp (giảng dạy, giáo dục), khắc phục được những bất cập nêu trên”.
NHÀ GIÁO SẼ CHỊU TÁC ĐỘNG RA SAO ?
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về tác động của chính sách này đến đội ngũ NG hiện nay, ông Đức cho rằng GCN tạo thuận lợi cho NG nếu có những thay đổi nơi hoạt động nghề nghiệp. Giấy có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù NG dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự. Đặc biệt giảm được thủ tục cho NG trong các trường hợp: thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc không thời hạn, hợp đồng có thời hạn, thỉnh giảng hoặc dạy liên trường; thuyên chuyển từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc ngược lại; khi NG đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy theo nhu cầu của cơ sở giáo dục.
GCN có giá trị đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở, bỏ được chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp NG hiện nay, vì có giá trị sử dụng trong suốt thời gian NG hoạt động (trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ hoạt động); đồng thời trong nội dung của GCN có ghi lại quá trình thăng hạng chức danh nhà giáo.
Bên cạnh đó, GCN bảo đảm nhiều yêu cầu của hội nhập quốc tế. Hiện nay, đa số các nước đòi hỏi người hoạt động giáo dục phải có giấy phép hoặc giấy xác nhận năng lực nghề nghiệp. VN và các nước khác sẽ công nhận lẫn nhau các loại giấy phép này theo các điều ước chung và những quy định cụ thể khác; giúp việc trao đổi NG giữa các nước được thuận tiện, nhất là việc kiểm soát chất lượng của những người nước ngoài vào hoạt động giáo dục tại VN.
CẤP MIỄN PHÍ, KHÔNG LÀM PHÁT SINH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH ?
Trước băn khoăn của nhiều NG rằng GCN cũng giống như một loại “giấy phép con”, thêm thủ tục mang tính hành chính cho nhà giáo, Cục trưởng Vũ Minh Đức khẳng định: “GCN không làm phát sinh thủ tục hành chính”. Đồng thời giải thích thêm, GCN được cấp miễn phí, thay thế quyết định công nhận hết tập sự (hiện hành) cho người đã hoàn thành chế độ tập sự và được cơ sở giáo dục nhận xét, xác nhận đạt tiêu chuẩn từ mức đạt (mức thấp nhất) trở lên theo chuẩn nghề nghiệp NG của một cấp học hoặc trình độ đào tạo.
Ở các cơ sở giáo dục ĐH, khi cơ sở có nhu cầu thì những người đã có nhiều kinh nghiệm về hoạt động đào tạo, nếu đạt tiêu chuẩn có thể được xét bổ nhiệm chức danh lần đầu không phải là giảng viên mà là giảng viên chính hoặc giảng viên cao cấp và được cấp GCN mà không cần qua chế độ tập sự.
Ông Đức cũng cho rằng nếu đưa vào luật quy định này thì sẽ có điều khoản chuyển tiếp thuận tiện. Cụ thể, khi luật NG có hiệu lực thi hành, NG đã có quyết định tuyển dụng và đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục sẽ được cấp GCN mà không cần đánh giá sát hạch. NG đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp GCN để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.
Nên có cách làm phù hợp để tránh phiền phức
Về bản chất thì chứng chỉ hành nghề cũng giống như chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Đây là một yêu cầu hợp lý, nhưng cách triển khai thế nào đỡ vất vả cho đội ngũ giáo viên (GV) hiện tại cũng như sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp thì cần phải bàn.
Chẳng hạn với một người tốt nghiệp ĐH ngành khác, không phải ngành sư phạm, ví dụ như ngành CNTT, hay cử nhân toán, mà họ muốn trở thành GV dạy môn tin học, hoặc môn toán, thì làm thế nào? Về nguyên tắc, họ đủ kiến thức để có thể dạy được. Nhưng để đảm bảo là họ có thể dạy được thì họ phải được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, việc đòi hỏi đối tượng này phải có chứng chỉ hành nghề sư phạm là hợp lý.
Hiện có hơn 1 triệu GV đang làm nghề dạy học tại các cơ sở giáo dục. Nếu yêu cầu tất cả phải bổ sung chứng chỉ hành nghề thì đó là một đòi hỏi rất phiền phức.
Hoặc với sinh viên đã tốt nghiệp ĐH ngành sư phạm, liệu có nên xem các em là đối tượng đương nhiên có chứng chỉ hành nghề sư phạm sau khi đã được cấp bằng ĐH sư phạm? Về mặt nguyên tắc, sinh viên sau khi đã tốt nghiệp ĐH sư phạm là các em có đủ năng lực, trình độ để hành nghề sư phạm.
Chẳng hạn với các chương trình đào tạo các ngành sư phạm hiện nay của trường, sau khi tốt nghiệp các em đương nhiên phải đáp ứng được yêu cầu dạy học tại cơ sở giáo dục tương ứng với chuyên môn và trình độ được đào tạo. Từ năm thứ nhất các em đã được xuống trường phổ thông để làm quen với môi trường nghề nghiệp sau này. Trong nội dung chương trình, phần lý thuyết, các nội dung liên quan tới nghiệp vụ sư phạm chiếm khoảng gần 1/4. Giáo sinh được học các môn học như tâm lý học lứa tuổi; giáo dục học, về giao tiếp sư phạm, phương pháp sư phạm (liên quan tới các kỹ năng soạn bài, giảng bài, phân tích chương trình…). Ngoài ra, các em còn được học các môn thực tập sư phạm tại các trường phổ thông, để triển khai các nội dung lý thuyết đã được học trong trường sư phạm.
PGS Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên)
Mong không lầm lẫn giữa các hình thức
Chứng chỉ (certificate) xác nhận ai đó đã hoàn thành một học phần hay một khóa học của một đơn vị đào tạo thực hiện. Giấy phép hành nghề (license) là sự xác nhận của cơ quan nhà nước rằng một người có khả năng và được phép thực hiện một công việc chuyên môn cụ thể trong một không gian cụ thể, ví dụ như một tỉnh/bang nào đó. Hy vọng các cơ quan hoạch định chính sách không lẫn giữa 2 hình thức này.
TS Lê Đông Phương, chuyên gia độc lập nghiên cứu lĩnh vực giáo dục ĐH
Quý Hiên (ghi)
Nhiều nước có giấy phép dạy học
Ở các nước trên thế giới, GV phải có teaching license (giấy phép dạy học) mới có thể đứng lớp giảng dạy. Giấy phép dạy học là chứng chỉ hành nghề giảng dạy do cơ quan của Bộ Giáo dục hoặc chính quyền địa phương cấp.
Chẳng hạn, mỗi bang ở Mỹ có yêu cầu khác nhau về giấy phép giảng dạy. Nhìn chung, GV tương lai phải có bằng cử nhân của một ĐH được công nhận, hoàn thành chương trình dự bị và vượt qua kỳ thi bắt buộc của bang, chẳng hạn kỳ thi Praxis, theo website của Viện Khảo thí giáo dục Mỹ (ETS). Ngoài ra, ứng viên phải trải qua đợt kiểm tra lý lịch và đáp ứng các yêu cầu cụ thể của trường.
Tương tự, tại nhiều nơi ở Anh, ứng viên phải có giấy chứng nhận giáo viên QTS mới được giảng dạy, theo cổng thông tin chính phủ Anh (gov.uk). Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sư phạm, vượt qua kỳ thi và đáp ứng tất cả yêu cầu, ứng viên sẽ được cấp QTS.
Còn ở Trung Quốc, ứng viên phải vượt qua kỳ thi cấp chứng nhận GV quốc gia (do cơ quan khảo thí của Bộ Giáo dục tổ chức), kỳ thi do trường tổ chức, hoàn thành giai đoạn thử việc mới chính thức trở thành GV.
Phúc Duy