Chiều 17.5, Bộ GD-ĐT tổ chức tọa đàm với các nhà báo theo dõi mảng giáo dục về dự thảo luật Nhà giáo mới được công bố xin ý kiến góp ý.
KHÔNG MUỐN “MỪNG HỤT” VỀ LƯƠNG CAO NHẤT
Một trong những nội dung được quan tâm nhất trong dự thảo luật Nhà giáo là quy định: “Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
Tại buổi tọa đàm, PV Thanh Niên đặt vấn đề: “Lương nhà giáo cao nhất” không phải là chủ trương mới, Nghị quyết 29 từ hơn 10 năm qua đã nêu; khi xây dựng luật Giáo dục 2019 nội dung này cũng được đưa vào dự thảo nhưng trước khi trình Quốc hội thông qua đã phải rút quy định này lại với lý do không đủ nguồn lực để thực hiện. Do đó, lần này ban soạn thảo quyết định đưa vào luật Nhà giáo thì đã tính đến tính khả thi về nguồn lực hay không. Điều này cần làm rõ bởi nhà giáo chia sẻ họ đã nhiều lần “mừng hụt” về chủ trương “lương cao nhất” rồi. Ý kiến khác cũng nêu tâm tư của nhà giáo khi từ 1.7 tới lương nhà giáo được tính toán tăng nhưng lại cắt bỏ phụ cấp thâm niên mà lâu nay nhà giáo vẫn được hưởng. Như vậy, lương tăng cao nhất mà phụ cấp thâm niên không còn thì cũng không bù đắp được.
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết hiện nay, thực hiện Nghị quyết 27 của Quốc hội, các cơ quan chức năng đang xây dựng chính sách tiền lương mới để thực hiện từ ngày 1.7. Trong đó tiền lương cơ bản chiếm 70% và phụ cấp ưu đãi chiếm 30% tổng tiền lương. Tinh thần là ngành giáo dục được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề ngoài tiền lương và mức phụ cấp ưu đãi theo nghề của nhà giáo là cao nhất trong các ngành nghề được hưởng phụ cấp.
Vẫn theo ông Đức, nguyên tắc trong thực hiện Nghị quyết 27 là tiền lương mới không thấp hơn tiền lương cũ. Trong trường hợp sắp xếp tiền lương mới mà thấp hơn tiền lương các thầy cô đang được hưởng thì các thầy cô được quyền bảo lưu tiền lương cũ. “Do vậy, các thầy cô yên tâm là tiền lương mới từ 1.7 chắc chắn sẽ cao hơn tiền lương cũ”, ông Đức nói.
Ông Vũ Minh Đức (Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – Bộ GD-ĐT)
Về nguồn lực tăng lương, ông Vũ Minh Đức cho rằng Ban Soạn thảo luật Nhà giáo cũng như Bộ GD-ĐT không thể trả lời chính xác về vấn đề này vì Bộ GD-ĐT không nắm về ngân sách nhà nước. “Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng Đảng đã có Nghị quyết 29, Quốc hội có Nghị quyết 27 về tiền lương đều chủ trương lương nhà giáo cao nhất thì đều đã có tính toán dựa trên cơ sở báo cáo của cơ quan chức năng. Do vậy, chúng ta có thể hy vọng việc này sẽ thực hiện được trong luật Nhà giáo”, ông Đức chia sẻ.
Trả lời thêm vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng (chủ trì tọa đàm) cho rằng không phải mọi vấn đề báo chí hỏi Bộ có thể trả lời ngay. Bộ sẽ lắng nghe, tiếp thu để nghiên cứu và tiếp tục có những đề xuất phù hợp.
Nhà giáo đà ĐƯỢC TUYỂN DỤNG KHÔNG CẦN SÁT HẠCH ĐỂ CẤP CHỨNG CHỈ
Liên quan đến quy định mỗi nhà giáo sẽ phải có ít nhất một chứng chỉ hành nghề, ông Vũ Minh Đức khẳng định để không gây xáo trộn khi áp dụng quy định về chứng chỉ hành nghề, dự thảo luật Nhà giáo đã tính toán phương án chuyển tiếp thuận lợi cho 1,6 triệu nhà giáo đã được tuyển dụng vào ngành trước khi luật có hiệu lực sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch. Những nhà giáo đã nghỉ hưu nếu có nguyện vọng cũng được cấp chứng chỉ hành nghề để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp. Cũng theo ông Đức, Bộ GD-ĐT dự kiến khi có chứng chỉ hành nghề, sẽ điều chỉnh bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.
PV Thanh Niên tiếp tục đặt câu hỏi: sinh viên tốt nghiệp CĐ sư phạm (mẫu giáo) hoặc ĐH sư phạm (giáo dục phổ thông)… có bằng cử nhân sư phạm vẫn chưa đủ điều kiện hành nghề nhà giáo? Vậy tại sao không để trường sư phạm làm nốt “kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề” cho trọn vẹn khâu đào tạo nhà giáo?
Cục trưởng Vũ Minh Đức cho rằng muốn trở thành nhà giáo, cần có 3 yếu tố: thứ nhất, kiến thức chuyên môn đối với những môn học mình sẽ giảng dạy. Thứ hai, nghiệp vụ sư phạm, hiểu rõ về phương pháp giảng dạy, tâm sinh lý của người học và nghiệp vụ sư phạm. Thứ ba, kỹ năng giảng dạy – yếu tố này rất là quan trọng. Có những người đủ bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nhưng kỹ năng giảng dạy không có.
Cũng theo ông Đức, có 2 nguồn để trở thành giáo viên: thứ nhất, sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm. Thứ hai, người tốt nghiệp trường khác đạt trình độ đào tạo theo quy định và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì được tuyển dụng làm nhà giáo. Tất cả các đối tượng trên đều phải thực hiện tập sự trong thời gian 1 năm, sau đó được đánh giá, nếu hoàn thành việc thực tập thì được cơ quan tuyển dụng.
Theo ông Đức, kể cả người tốt nghiệp sư phạm và người chưa tốt nghiệp sư phạm, trước khi hành nghề cần có một quá trình đào tạo, tạm gọi là đào tạo nghề. Đối với những nội dung đào tạo nghề, cấu trúc của mô đun đào tạo nghề sẽ có những mô đun đã được giảng dạy trong trường đại học.
Nếu là sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm tham gia khóa đào tạo nghề, thì những nội dung đã được đào tạo trong chương trình ở các trường sư phạm sẽ không phải học và sẽ rút ngắn thời gian đào tạo nghề để có thể sớm được cấp chứng chỉ hành nghề. Như vậy, có sự phân biệt giữa sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm và không tốt nghiệp các trường sư phạm trong quá trình cấp giấy chứng nhận hành nghề.
CÓ QUẢN LÝ ĐƯỢC “NHÀ GIÁO TỰ XƯNG” ?
Một số ý kiến cho rằng, hiện nay những người tự xưng là nhà giáo và giảng dạy trên các nền tảng mạng xã hội rất nhiều, thu hút nhiều học sinh với mức thu nhập cao hơn nhiều so với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục. Vậy, Bộ GD-ĐT có tính đến đưa vào luật để quản lý những đối tượng này và liệu những nhà giáo không hoạt động trong các cơ sở giáo dục có được cấp chứng chỉ hành nghề hay không?
Ông Vũ Minh Đức cho rằng về nguyên tắc nếu có nhu cầu thì họ vẫn được cấp giấy phép. Còn việc quản lý đối tượng này thì trong quá trình soạn thảo dự luật, ban soạn thảo cũng đã tính đến. Song, đối tượng này khá phức tạp và biến đổi rất nhanh, đặc biệt là những người giảng dạy trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội. Do vậy, Bộ GD-ĐT cũng có đề xuất là sẽ thí điểm thực hiện quản lý một số đối tượng này, trên cơ sở đó sẽ có nghiên cứu và hoàn thiện dự luật trong thời gian tiếp theo.
“Như vậy, chứng chỉ hành nghề này sẽ giúp nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, nhằm phân biệt những người đủ tư cách dạy học với người không đủ tiêu chuẩn để dạy học nhưng tự xưng là nhà giáo trên mạng xã hội”, ông Đức nói.
Ngoài ra, chứng chỉ hành nghề cũng sẽ tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có những thay đổi về nơi công tác vì có giá trị sử dụng toàn quốc. Nhờ đó, cho dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần phải thực hiện lại chế độ tập sự, giảm thủ tục khi thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc…
Một nhà giáo có thể có nhiều chứng chỉ hành nghề
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh: “Chứng chỉ hành nghề không phải nhằm tăng cường quản lý nhà giáo, tăng thêm sức ép về văn bằng, chứng chỉ đối với nhà giáo mà để phát triển nhà giáo. Một nhà giáo có nhiều chứng chỉ theo nhu cầu và năng lực của nhà giáo đó. Ví dụ, một nhà giáo đủ điều kiện thì có thể không chỉ có chứng chỉ dạy ở bậc mầm non mà có thể dạy ở cấp học cao hơn và ngược lại. Trong lúc chúng ta đang tinh giản đội ngũ công chức, viên chức thì một người có thể làm được nhiều việc nếu họ có năng lực và đáp ứng đủ điều kiện”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bo-gd-dt-giai-thich-gi-ve-luong-giao-vien-cao-nhat-185240517205355645.htm