Với đường biên giới đất liền và trên biển rất dài, địa bàn rộng, lại ở gần khu vực “tam giác vàng”-“điểm nóng” về ma túy của thế giới nên hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy ở vùng biên giới Việt Nam diễn ra hết sức phức tạp. Các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia triệt để lợi dụng địa hình hiểm trở, tận dụng công nghệ cao, phương tiện hiện đại để hoạt động; lợi dụng chính sách hải quan thông thoáng đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu để trà trộn, cất giấu, vận chuyển ma túy…; thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, manh động…

Ghi nhận tại “điểm nóng” Sơn La

Đầu tháng 6-2023, chúng tôi cùng các cán bộ trinh sát của Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMTTP) miền Bắc (Đoàn 1) thuộc Cục PCMTTP, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trở lại tuyến biên giới các huyện Mộc Châu, Vân Hồ (tỉnh Sơn La)-nơi được coi là “điểm nóng” về tội phạm ma túy suốt nhiều năm qua. Trước mặt chúng tôi là đỉnh núi Pha Luông thuộc xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tiếp giáp bên kia biên giới là cụm bản Pa Háng-Huổi Hiềng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Con đường mòn từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập (BĐBP tỉnh Sơn La) dẫn lên đỉnh Pha Luông dốc khúc khuỷu, vắt qua những mỏm đá lởm chởm, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi.

Nơi đây được các trùm ma túy chọn làm điểm giao dịch, đưa ma túy vào Việt Nam bởi vị trí này gần cung đường vận chuyển ma túy từ khu vực “tam giác vàng” (vùng sản xuất ma túy lớn của thế giới), địa hình lại hiểm trở, bà con hai bên biên giới có mối quan hệ thân tộc, thường xuyên qua lại và nhiều người đã là “đệ tử của cái chết trắng”, sẵn sàng tham gia buôn bán, vận chuyển… Ma túy được đưa từ “tam giác vàng” về tập kết tại các bản, làng biên giới của nước bạn Lào, rồi tìm cách tuồn sang Việt Nam bán với giá cao gấp nhiều lần, hoặc tiếp tục vận chuyển sang nước khác.

Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lóng Sập (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) quán triệt nhiệm vụ trước khi lên đường tuần tra. Ảnh: TRỌNG ĐỨC 

Hướng ánh mắt về bên kia biên giới-nơi có những ngôi biệt thự to đẹp nằm cạnh sườn đồi với những chiếc siêu xe đỗ trong khuôn viên, Đại tá Nguyễn Trung Việt, Đoàn trưởng Đoàn 1, người có hơn 20 năm kinh nghiệm đánh án ma túy trên địa bàn biên giới, nói với chúng tôi: Theo các nguồn tin trinh sát, hiện số trùm ma túy bên kia biên giới khá nhiều, có cả những xưởng sản xuất ma túy nằm sát biên giới với Việt Nam. Các ông trùm điều hành đường dây tội phạm ma túy có nhiều đối tượng tham gia, lập thành từng toán, nhóm, trang bị cả vũ khí quân dụng, xe ô tô chống đạn để vận chuyển ma túy với số lượng lớn. Những toán, nhóm tội phạm này lợi dụng đêm tối, trời sương mù, mưa dông hoặc khi được tin báo lực lượng chức năng bận làm nhiệm vụ khác là chúng vượt núi băng rừng qua biên giới; liên lạc với các đối tượng ở nội biên phía Việt Nam thông qua hệ thống điện thoại vệ tinh để tổ chức giao, nhận ma túy.

“Tại khu vực biên giới này trong những năm qua đã diễn ra nhiều trận đấu súng giữa tội phạm ma túy có vũ trang và các lực lượng chức năng. Đã có hàng chục đường dây, hàng trăm đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy qua khu vực biên giới Mộc Châu, Vân Hồ bị bắt giữ, tiêu diệt. Nhưng vì hám khoản siêu lợi nhuận từ buôn bán ma túy nên tội phạm tìm đủ mọi cách, trang bị ngày càng nhiều vũ khí nóng, phương tiện hiện đại, hoạt động ngày càng tinh vi, manh động. Để đấu tranh, triệt phá thành công những đường dây tội phạm ma túy mà giữ được an toàn cho lực lượng đánh án là điều không hề đơn giản”, Đại tá Nguyễn Trung Việt chia sẻ.

Thủ đoạn tinh vi, hành vi liều lĩnh

Đem những chuyện ghi nhận được từ tuyến biên giới Mộc Châu, Vân Hồ trao đổi với Đại tá Dương Văn Hiển, Trưởng phòng Trinh sát nội biên, Cục PCMTTP, Bộ tư lệnh BĐBP, chúng tôi được anh chia sẻ: Trong những năm gần đây, nhất là từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy từ Lào và Campuchia vào Việt Nam có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là khu vực biên giới Tây Bắc, Bắc miền Trung và Tây Nam Bộ. Các đối tượng trong đường dây ma túy được chúng tuyển chọn kỹ, phù hợp với từng vị trí, từ khâu thu gom, vận chuyển, tàng trữ, cất giấu đến tiêu thụ. Mặt khác, tội phạm ma túy tìm mọi cách móc nối với các đối tượng có tiền án, tiền sự, người nước ngoài, Việt kiều, khách du lịch… để thu nhận vào đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới. Lợi nhuận kếch xù từ hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy đã làm cho những kẻ tội phạm liều lĩnh và manh động hơn.

Cũng theo Đại tá Dương Văn Hiển, để đối phó với các lực lượng chức năng, những ông trùm ma túy phân công rất cụ thể nhiệm vụ cho từng tên, từ khâu dò đường, theo dõi lực lượng chức năng đến vận chuyển, giao-nhận ma túy. Nếu thấy “có động”, chúng lập tức báo cho đồng bọn ngừng hoạt động hoặc kịp thời phi tang, tẩu thoát; khi bị truy bắt thì chúng chống trả đến cùng, bởi chúng đã xác định sẵn sàng tự vẫn để bịt đầu mối, để được đồng bọn tiếp tục lo cho gia đình, còn nếu bị bắt thì cũng không thoát khỏi hình phạt nặng nhất.

Có thể kể đến một số phương thức, thủ đoạn phổ biến của tội phạm ma túy hiện nay là: Lợi dụng địa hình phức tạp, hiểm trở, sử dụng các toán, nhóm có vũ khí để vận chuyển ma túy qua biên giới; vận chuyển ma túy xuyên rừng, không theo lối mòn, gắn định vị điện tử để các đối tượng trong đường dây tự tìm và tiếp tục vận chuyển vào nội biên; lợi dụng đặc thù trong quan hệ dân tộc, thân tộc để thiết lập đường dây khép kín trong gia đình, dòng họ vận chuyển ma túy; thanh toán chủ yếu qua tài khoản ngân hàng dưới hình thức giao dịch thương mại, dân sự; cất giấu ma túy trong các hàng hóa đặc biệt (tượng gỗ, thiết bị điện tử, động cơ đã qua sử dụng, đá khối xây dựng xuất khẩu, hoa quả…) để vận chuyển qua biên giới và từ biên giới vào nội địa. Ngoài ra, tội phạm còn ký gửi “hàng” trên các phương tiện vận tải, xe liên tuyến, liên vận; thuê người nhận “hàng”, vận chuyển lòng vòng qua nhiều địa điểm; vận chuyển có mã vận đơn, đối tượng có thể tra cứu được lịch trình của kiện hàng, trên cơ sở đó phát hiện sự bất thường và có biện pháp đối phó với cơ quan chức năng…

Kiên quyết tấn công tội phạm

Những ngày cao điểm của Tháng hành động phòng, chống ma túy, doanh trại của Đoàn 1 thuộc Cục PCMTTP, Bộ tư lệnh BĐBP càng vắng bóng người. Bữa cơm trưa tại nhà ăn của đơn vị, tính cả thủ trưởng trực chỉ huy và nhân viên quân y, chiến sĩ vệ binh cũng chưa đủ hai mâm. Đại tá Hà Xuân Phú, Chính trị viên Đoàn 1 chia sẻ: “Quân số của đơn vị chỉ vài chục người nhưng phải đảm nhiệm địa bàn 15 tỉnh có biên giới, từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc nên rất ít khi cán bộ, chiến sĩ có mặt tại doanh trại đông đủ. Phần lớn thời gian, anh em phải bám nắm, trinh sát, thực hiện nhiệm vụ trên các địa bàn biên giới. Có những đồng chí mặc dù nhà ở ngay gần đơn vị nhưng hơn 3 tháng vẫn chưa được về…”.

Đối tượng và tang vật trong Chuyên án ĐB523p do Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên triệt phá ngày 12-6-2023. Ảnh: TÙNG DŨNG 

Theo Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục PCMTTP, Bộ tư lệnh BĐBP: Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ Lào, Campuchia qua khu vực biên giới vào Việt Nam tiêu thụ và đi sang nước thứ 3 có nhiều diễn biến phức tạp; hoạt động vận chuyển ma túy trên biển cũng gia tăng. Trước tình hình đó, lực lượng PCMTTP của BĐBP tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, chú trọng đẩy mạnh đấu tranh các chuyên án, thực hiện các kế hoạch nghiệp vụ, kế hoạch chuyên đề, triệt phá các đường dây tội phạm ma túy. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan trong đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy; nhất là phối hợp trao đổi thông tin, điều tra phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự tại các địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới.

Đặc biệt, thực hiện Tháng hành động phòng, chống ma túy, Cục PCMTTP đã chủ động tham mưu với Bộ tư lệnh BĐBP xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện tháng cao điểm, tăng cường lực lượng, phương tiện, chủ động phòng ngừa, quyết liệt đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy; nâng cao hiệu quả phát hiện, bắt giữ, xử lý tội phạm, triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm hoạt động quy mô lớn, xuyên quốc gia. Cục PCMTTP đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình; khai thác, sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu hiệu quả; chủ động, quyết liệt trong đấu tranh với tội phạm, tập trung trên các tuyến, địa bàn, vùng biển trọng điểm về ma túy…

Đồng thời, BĐBP tích cực phối hợp với lực lượng chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm; không tham gia hoặc tiếp tay cho các loại tội phạm… Chỉ tính từ ngày 1 đến 19-6, lực lượng PCMTTP của BĐBP đã chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 120 vụ/201 đối tượng, thu giữ 26,5kg ma túy, 4 khẩu súng và một số tang vật liên quan. Mới đây, ngày 12-6, BĐBP tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với Phòng Trinh sát kỹ thuật, Cục PCMTTP và Công an tỉnh Điện Biên đấu tranh thành công Chuyên án ĐB523p, triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Lào vào Việt Nam, bắt giữ 2 đối tượng và thu giữ 120.000 viên ma túy tổng hợp…

Năm 2022, các đơn vị BĐBP đã xác lập và đấu tranh thành công 109 chuyên án; chủ trì, phối hợp bắt giữ 7.575 vụ/18.290 đối tượng; thu giữ 1.031kg ma túy các loại, 24 khẩu súng và nhiều tang vật khác; phá nhổ gần 19.000 cây có chứa chất ma túy. Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến ngày 15-6, các đơn vị BĐBP đã đấu tranh thành công 47 chuyên án, bắt giữ 2.937 vụ/6.856 đối tượng tội phạm, trong đó tội phạm về ma túy là 386 vụ/555 đối tượng, thu 349,445kg ma túy các loại.

 

(còn nữa)

MAI CHU ANH