Những thiết bị này có thể giúp họ phục hồi nhanh chóng sau khi bị ngã, cung cấp thêm sức mạnh và tính linh hoạt cho phi hành gia trong môi trường khắc nghiệt.
SuperLimbs – công nghệ hỗ trợ thông minh được tích hợp trong ba lô – sẽ là người bạn đồng hành đắc lực của các phi hành gia. Khi bị ngã, những “cánh tay” robot sẽ tự động bung ra, giúp họ đứng dậy một cách dễ dàng, tiết kiệm sức lực cho những nhiệm vụ quan trọng hơn.
Điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường trọng lực của Mặt trăng, nơi việc giữ thăng bằng trở nên khó khăn hơn. Theo số liệu từ đại học Michigan, 12 phi hành gia sứ mệnh Apollo đã ngã 27 lần và 21 lần suýt soát ngã khi thực hiện nhiệm vụ.
Khi phi hành gia Charlie Duke bị ngã trên Mặt Trăng vào năm 1972, ông phải cố gắng ba lần mới có thể đứng dậy. Nghiên cứu chỉ ra rằng ngã thường xảy ra khi các phi hành gia thực hiện nhiệm vụ như thu thập mẫu hoặc sử dụng công cụ.
Trong chương trình Artemis mà NASA đang triển khai để đưa con người trở lại Mặt trăng tới đây, các phi hành gia sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ tương tự, công nghệ hỗ trợ như SuperLimbs sẽ giúp họ đứng dậy dễ dàng hơn và tăng cường an toàn trong các sứ mệnh khám phá Mặt Trăng.
SuperLimbs, một dự án do giáo sư Harry Asada tại MIT phát triển gần một thập kỷ trước, đang trong quá trình điều chỉnh để phù hợp với các phi hành gia. Erik Ballesteros, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại MIT, đã dành mùa hè tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA để nghiên cứu hệ thống này. Ông cho biết SuperLimbs cần cải tiến thêm, nhưng hy vọng sẽ trình diễn khả năng giúp một ma-nơ-canh đứng dậy từ tư thế nằm sấp vào tháng 1 tới.
X
Video: Phi hành gia Charlie Duke trong sứ mệnh Apollo 16 vào năm 1972 cố gắng đứng dậy sau khi bị ngã. (Nguồn: NASA)
Tuy nhiên, việc phát triển công nghệ này cũng gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong môi trường khắc nghiệt của không gian. Tiến sĩ Jonathan Clark, một chuyên gia trong lĩnh vực y học không gian, cảnh báo rằng các yếu tố như nhiệt độ, bụi bẩn và bức xạ có thể làm tăng chi phí và thời gian phê duyệt công nghệ để sử dụng ngoài không gian Trái đất
Tiến sĩ Jonathan Clark nhấn mạnh tốc độ đổi mới trong công nghệ vũ trụ ngày nay rất ấn tượng, việc biến khoa học viễn tưởng thành thực tế giờ chỉ mất vài năm, trong khi trước đây có thể mất hàng thập kỷ.
Ana Diaz Artiles, một chuyên gia kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Texas A&M, nhận định rằng chúng có thể giúp giảm chi phí năng lượng khi phi hành gia đứng dậy, nhưng cũng có thể gia tăng trọng lượng và tiêu tốn thêm năng lượng.
Bà còn nhấn mạnh rằng bụi mặt trăng “siêu độc” nên việc lăn để đứng dậy có thể gây hại cho phi hành gia. SuperLimbs có thể giúp giảm thiểu vấn đề này, bà nhận xét rằng những “chiếc tay” của rô bốt “thực sự tuyệt vời và hữu ích”.
Kỷ lục chuyến đi bộ dài nhất trên Mặt trăng thuộc về phi hành đoàn Apollo 17, kéo dài bảy giờ 37 phút. Trong khi đó, sứ mệnh Artemis – với sự tham gia của các phi hành gia từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản – dự kiến sẽ kéo dài tới một tuần. Vậy nên họ phải học cách sống và làm việc xa Trái đất, chuẩn bị cho những chuyến thám hiểm lên Sao Hỏa trong tương lai.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có kế hoạch riêng để lên Mặt trăng vào năm 2030, với mục tiêu xây dựng một trạm nghiên cứu.
Hà Trang (theo CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/bo-do-robot-moi-co-the-giup-phi-hanh-gia-dung-day-sau-khi-nga-post316845.html