Trong khuôn khổ làm việc Chương trình hỗ trợ đa mục tiêu Việt Nam – EU 2021-2027 và Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam – EU (Chương trình SETP), Ban chỉ đạo Chương trình SETP gồm có: Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long; Ngài Julien Guerrier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và các thành viên ban chỉ đạo 2 bên Việt Nam, EU thực hiện chương trình công tác tại TP. Cần Thơ, tỉnh Trà Vinh theo kế hoạch hàng năm về phát triển bền vững trong lĩnh vực năng lượng điện. Trong đó, tập trung vào các vấn đề cấp điện khu vực chưa có điện ở nông thôn và phát triển năng lượng tái tạo tại địa phương liên quan đến sự hợp tác hỗ trợ của EU.
|
Cấp điện nông thôn “phủ sóng” rộng
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Sử- Phó giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết, thành phố hiện có 364.313 hộ có điện, đạt tỷ lệ 99,97%. Trong đó, 100% hộ ở khu vực thành thị có điện; tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 99,91%. Ðể người dân nông thôn được sử dụng điện an toàn, Sở Công Thương cùng ngành điện thành phố đã và đang triển khai thực hiện nhiều dự án xây dựng hạ tầng lưới điện cho khu vực nông thôn từ các nguồn vốn EU, KFW… Trong đó, có Dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, giai đoạn 2018-2020 do EU tài trợ”, với tổng nguồn vốn được phê duyệt và phân bổ là 58,811 tỉ đồng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long; Ngài Julien Guerrier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tại buổi làm việc |
Dự án này nhằm cung cấp điện cho 1.412 hộ dân tại 4 huyện: Phong Ðiền, Thới Lai, Cờ Ðỏ và Vĩnh Thạnh. Hiện Cần Thơ có 2.088 khách hàng lắp đặt và được đấu nối điện mặt trời mái nhà vào hệ thống lưới điện quốc gia, với tổng công suất hơn 80.996 kWp…
Về phát triển năng lượng tái tạo, đến nay, trên toàn địa bàn thành phố phát triển điện mặt trời mái nhà được 81MW, thành phố Cần Thơ không có dự án điện mặt trời nối lưới.
Theo Quy hoạch điện VIII, thành phố Cần Thơ được phê duyệt Dự án điện sinh khối với công suất 100MW tại huyện Vĩnh Thạnh, tuy nhiên trong Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện tại Quyết định 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ, thì thành phố Cần Thơ không có dự án này.
Ông Huỳnh Thanh Sử thông tin thêm, hiện nay, TP. Cần Thơ đang trong quá trình phát triển và hình thành các khu công nghiệp, có 5 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 991,65 ha. Các khu công nghiệp đang hình thành gồm: Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) với diện tích 293,7 ha; Khu Công nghiệp Phú Mỹ với diện tích 600 ha, … và 04 cụm công nghiệp: Bình Thủy, Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ, với quy mô mỗi cụm khoảng 75 ha, hiện đang trong giai đoạn kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng. “Do đó, nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội của thành phố trong thời gian tới rất lớn, đặc biệt là nguồn năng lượng xanh, sạch để đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn xanh của các khách hàng nhập khẩu trên thế giới”- lãnh đạo Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho hay.
Đoàn công tác Bộ Công Thương và Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) trao đổi tại buổi làm việc |
Đối với tỉnh Trà Vinh, theo ông Vũ Hồng Dương- Phó giám đốc Sở Công Thương Trà Vinh cho biết, các dự án lưới điện nông thôn đã và đang thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Trong 10 năm qua (giai đoạn từ năm 2014-2024) ngành điện và địa phương đã phối hợp triển khai thực hiện đầu tư nhiều công trình dự án cấp điện nông thôn tỉnh Trà Vinh, trong đó có 04 dự án lớn tổng số khoảng 40.705 hộ dân được thụ hưởng và nhiều đường dây trung hạ thể được đầu tư phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, với tổng số vốn 717,6 tỷ đồng. Đồng thời, nhiều công trình, nâng cấp cải tạo, xây mới lưới điện trung hạ áp được Tổng Công ty Điện lực miền Nam Công ty Điện lực Trà Vinh đã đầu tư thường xuyên hàng năm, riêng năm 2024 đầu tư 24 công trình lưới điện trung hạ thế với tổng mức đầu tư 344 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/04/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Trà Vinh được phê duyệt dự án thuộc Chương trình cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo với kinh phí 311 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngày 19/11/2024 Bộ Công Thương có Công văn số 9314/BCT-ĐL báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho Trà Vinh 03 tỷ đồng để thực hiện dự án thuộc Tiểu hợp phần 1 – Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam – EU (Chương trình SETP) cấp điện cho 312 hộ dân từ lưới điện quốc gia.
Đoàn công tác Bộ Công Thương và Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), Lãnh đạo TP. Cần Thơ chụp ảnh lưu niệm. |
Về năng lượng tái tạo, Phó giám đốc Sở Công Thương Trà Vinh nêu, các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư và vận hành thương mại: Nguồn điện năng lượng tái tạo đã phát điện công suất 505,10 MW bao gồm 05 nhà máy điện gió đưa vào vận hành thương mại COD năm 2021 với tổng công suất 322 MW, 01 dự án điện mặt trời vận hành năm 2019, với công suất 140 MW, 1.149 hệ thống điện mặt trời áp mái nhà, công suất 43,01 MWp.
Nguồn năng lượng tái tạo đang triển khai tổng công suất 369 MW: Gồm 04 dự án điện gió, công suất 344 MW, 1 dự án điện sinh khối, công suất 25 MW.
Theo Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm, tỉnh Trà Vinh được phê duyệt 13 dự án điện gió, công suất 872,5 MW (trong đó 05 dự án điện gió chuyển tiếp, công suất 408,5 MW; 08 dự án điện gió mới, công suất 464 MW); điện mặt trời áp mái, công suất 10 MW; điện rác, công suất 10 MW; điện sinh khối, công suất 25 MW và các công trình trạm biến áp và đường dây truyền tải, phân phối để giải tỏa công suất. Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đang khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định, qua đó, đã đáp ứng nhu cầu giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo của tỉnh đến năm 2030.
Đoàn công tác Bộ Công Thương và Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) làm việc tại tỉnh Trà Vinh |
Kiến nghị, đề xuất của địa phương đảm bảo phát triển năng lượng bền vững
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Việt Trường- Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục phân bổ kinh phí 446,24 tỉ đồng cho TP Cần Thơ theo Quyết định 262/QÐ-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ vùng nông thôn phát triển kinh tế – xã hội và cấp điện an toàn, đảm bảo an sinh xã hội.
Chủ tịch UBND thành phố thông tin thêm về tình hình phát triển và hình thành các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố và khẳng định việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch theo tiêu chuẩn xanh là rất cần thiết.
Lãnh đạo thành phố kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm, bổ sung thêm 100MW nguồn điện mặt trời cho Cần Thơ vào Quyết định phê duyệt bổ sung, cập nhật “Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; đồng thời xem xét, cập nhật, bổ sung dự án Nhà máy điện sinh khối Cần Thơ, với công suất 100MW trong giai đoạn 2025-2030… góp phần giúp TP. Cần Thơ đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại buổi làm việc với TP. Cần Thơ |
Về phía tỉnh Trà Vinh, ông Nguyễn Quỳnh Thiện- Phó Chủ tịch tỉnh Trà Vinh đề xuất Bộ Công Thương sớm tham mưu đề xuất Chính phủ phê duyệt và bố trí nguồn vốn ngân sách triển khai dự án thuộc Chương trình cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo của tỉnh. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn các thủ tục cho các dự án thực hiện theo cơ chế mua bán điện tử trực tiếp (DPPA) theo Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/7/2024 của Chính phủ, đặc biệt là dự án tự sản, tự tiêu để thực hiện dự án hydro xanh. Đồng thời, sớm có cơ chế pháp lý tạo điều kiện cho các tỉnh ven biển có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi.
“Tỉnh đã xác định việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo là nhiệm vụ trọng tâm để Trà Vinh trở thành trung tâm năng lượng của khu vực”- lãnh đạo tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh.
Ông Julien Guerrier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ và đề xuất thúc đẩy phát triển hợp tác về năng lượng tái tạo giữa TP. Cần Thơ, tỉnh Trà Vinh với các nước EU… Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam – EU (SETP) sẽ có vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại trị giá 142 triệu Euro. Đây là sự khẳng định sự hợp tác chặt chẽ, cam kết lâu dài của EU cho mục tiêu chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam, hướng đến phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Chúng tôi có nhiều năm quan hệ đối tác với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Hiện Đồng bằng Sông Cửu Long có vị trí quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế, trong đó có TP. Cần Thơ và tỉnh Trà Vinh. Đặc biệt, tại khu vực này chúng tôi quan tâm tới các lĩnh vực: Quản lý nguồn nước, năng lượng xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn… Dự kiến trong Kế hoạch “Cửa ngõ toàn cầu” của chúng tôi thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư vào các địa phương này.
Đoàn công tác đã làm việc tại Dự án điện mặt trời áp mái De Heus thuộc nhà máy De Heus Cần Thơ. |
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cùng thành viên đoàn công tác ghi nhận thực tế và những kiến nghị về tình hình cung cấp điện nông thôn, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo của TP Cần Thơ, Trà Vinh.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, chỉ đạo của Chính phủ khuyến khích cho phát triển điện mặt trời áp mái. Mục đích của Việt Nam phát triển ít nhất đạt 50% hộ dân lắp điện mặt trời mái nhà, cho nên Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu, đã mở tối đa cho công suất dưới 100 kW.
Nghị định này cũng quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ, tinh thần sắp tới, trong rà soát Quy hoạch điện VIII sẽ mở ra cơ hội phát triển năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời. Các địa phương trong đó có Cần Thơ, Trà Vinh chủ động nghiên cứu rà soát tính toán và báo cáo Bộ Công Thương sớm về cơ cấu nguồn tài nguyên này để trong điều chỉnh Bộ có tính toán. Với định hướng mở ra thêm cho tất cả các địa phương. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tự quyết định lắp đặt hệ thống lưu trữ điện (BESS) để bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.
Đoàn công tác đã đến thăm Dự án điện mặt trời áp mái De Heus thuộc nhà máy De Heus Cần Thơ sản xuất thức ăn cá tra tại Khu công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ có công suất 240.000 tấn/năm với vốn đầu tư 18,6 triệu USD. Hệ thống điện mặt trời áp mái của nhà máy có công suất 458 kWp dự kiến giúp giảm được 470 tấn CO2 mỗi năm.
Đoàn công tác đã thăm Dự án điện mặt trời áp mái De Heus thuộc nhà máy De Heus Cần Thơ sản xuất thức ăn cá tra tại Khu công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ |
Đồng thời, đoàn cũng đến thăm khu vực cấp điện nông thôn TP. Cần Thơ, xã Định Môn, huyện Thới Lai.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và Phái đoàn Liên minh châu Âu thăm khu vực cấp điện nông thôn TP. Cần Thơ, xã Định Môn, huyện Thới La. |
Cũng trong chương trình công tác chiều nay 13/12, đoàn công tác sẽ tiếp tục đi thực địa thăm nhà máy điện gió Hàn Quốc – Trà Vinh V1 -1. Đây cũng là một dự án có ý nghĩa đánh dấu sự hợp tác của EU trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Dự án với sự tham gia đầu tư của các đối tác thuộc Quỹ đầu tư CIO (Climate Investor One), ST International – Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đồng tài trợ.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-nang-luong/bo-cong-thuong-va-eu-lam-viec-tai-can-tho-tra-vinh-ve-phat-trien-nang-luong.html