Bộ Công thương trả lời các vấn đề nóng về điện – thuế – xăng dầu
Nỗ lực đảm bảo cung ứng điện, đẩy nhanh thực hiện Quy hoạch điện VIII
Theo thông tin từ Bộ TN&MT, dung tích các hồ thủy điện trên cả nước đang thiếu hụt so với quy chuẩn tích nước mùa cạn, thậm chí có nơi xuống mực nước chết khiến công tác vận hành cung ứng điện đang gặp khó khăn.
Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Trần Việt Hòa cho biết, Bộ Công Thương đã có nhiều văn chỉ đạo về vấn đề vận hành cung ứng nhiên liệu như than, khí cho phát điện. Bước vào cao điểm nắng nóng, Bộ cũng đã họp với Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Đông Bắc về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia.
Liên quan đến vấn đề tăng giá điện 3%, Cục trưởng Trần Việt Hòa cho biết việc tính toán để điều chỉnh giá bán lẻ điện căn cứ vào Quyết định 24 của Thủ tướng và Bộ Công Thương đã đồng ý mức tăng thấp nhất trong các đề xuất điều chỉnh của ngành điện. Khi điều chỉnh, các cơ quan chức năng đã tính toán dựa trên nhiều yếu tố, trong đó hạn chế tác động thấp nhất đến kinh tế vĩ mô và đời sống của người dân. Với mức tăng này, EVN sẽ giảm bớt căng thẳng về tài chính nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới.
Thông tin về việc triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng cho biết Quy hoạch này là cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ thực hiện hệ thống nguồn và lưới điện sắp tới.
Với các dự án cụ thể, theo quy định của Luật Quy hoạch thì danh mục dự án quan trọng và ưu tiên của ngành điện sẽ được quy định trong Luật Quy hoạch. Do đó, với quy hoạch vừa được phê duyệt, bao gồm nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhà máy thủy điện vừa và lớn, các dự án lưới điện từ 220kV trở lên… đã có cơ sở pháp lý để thực hiện. Với nguồn năng lượng tái tạo, do quy mô nhỏ nên không được quy định trong Quy hoạch điện VIII, mà sẽ được xây dựng trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ở các bước tiếp theo.
Ủng hộ đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô
Thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất ô tô, các hiệp hội như VAMA, VAMI, các tỉnh có nhà máy sản xuất ô tô để báo cáo Chính phủ xem xét đề nghị giảm lệ phí trước bạ với ô tô; gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như thuế giá trị gia tăng.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Nguyễn Ngọc Thành cho biết, quan điểm Bộ Công thương là ủng hộ giảm lệ phí trước bạ 50% trong năm 2023. Trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để thảo luận về chính sách này do sự giảm sút rõ rệt của ngành ô tô, 4 tháng đầu năm, sản xuất ô tô giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: “Hiện nay, doanh nghiệp ô tô đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền, tiếp tục giảm lệ phí trước bạ thì nhiều doanh nghiệp chưa chắc giữ được hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”.
Theo Bộ Công Thương, việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hiện nay là cần thiết và phù hợp, góp phần kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho.
Phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc của Nghi Sơn
Bộ Công Thương xác nhận đã nhận được kiến nghị mới đây của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và PVN về việc đơn vị này cho hay đang đối mặt nguy cơ dừng hoạt động vì thiếu hụt dòng tiền và không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính.
Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) Trần Thanh Tùng cho biết, hoạt động của Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn có vai trò quan trọng trong cung ứng xăng dầu cho đất nước. Hiện nay, giữa tháng 5, tình hình nhà máy vận hành vẫn ổn định.
Về việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự báo ngừng hoạt động do thiếu dòng tiền, ngày 19/4/2023, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi đơn vị và đồng thời gửi cả cho PVN và các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại dự án về vấn đề tái cấu trúc của NSRP. Theo đó, khẳng định rằng, việc tái cấu trúc tài chính, cấu trúc bộ máy và vận hành nhà máy an toàn, ổn định là vấn đề nội tại của doanh nghiệp, thuộc trách nhiệm giải quyết của Nghi Sơn và các bên tham gia góp vốn dựa trên cơ sở các cam kết, các thoả thuận liên doanh, các tài liệu của dự án và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Các vấn đề về thẩm quyền của PVN cần báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để xem xét và chỉ đạo.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn, PVN và các nhà đầu tư nước ngoài cần phải chủ động, tích cực phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc của Nghi Sơn, đảm bảo nhà máy hoạt động hiệu quả, đảm bảo sản lượng cung ứng đã đăng ký với Bộ Công Thương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là đơn vị chiếm tới 35 – 40% thị phần cung cấp xăng dầu nội địa nhưng hoạt động không ổn định, chưa kể trong quá trình hoạt động, mỗi một năm, nhà máy có ít nhất 30 – 45 ngày bảo dưỡng. Trong khi về mặt cam kết Việt Nam ưu tiên tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại Nhà máy này.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải bày tỏ: “Mỗi lần Lọc dầu Nghi Sơn bị làm sao chúng tôi mất ăn mất ngủ”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, NSRP là công ty liên doanh bởi các thành viên gồm PVN, Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPE), Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản (IKC) và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI). Bộ Công Thương rất quan tâm bám sát tình hình hoạt động sản xuất của Nhà máy, tuy nhiên Bộ Công Thương chỉ là cơ quan quản lý lĩnh vực dầu khí trong nước, cùng với đó, phía doanh nghiệp Việt Nam chỉ góp vốn 25,1% tại Nhà máy, do vậy tiếng nói cũng chỉ có mức độ. Việc giải quyết khó khăn trong Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn là vấn đề nội tại của nhà máy, còn Chính phủ, Bộ, ngành hoặc bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào cũng chỉ tham gia theo đúng các thoả thuận của các bên đã có cam kết. Đây cũng là điểm khó trong vấn đề xử lý.
Thông tin về tình hình cung ứng xăng dầu, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Hoàng Anh Tuấn cho biết, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu, bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.
Tại Họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng trao đổi về việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch VII và điều chỉnh. Kết luận thanh tra chỉ ra việc bổ sung hàng trăm dự án điện mặt trời không có căn cứ và đề nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.
Về việc này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định sẽ thực hiện đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ và những quy định chung.