Khai mạc Triển lãm quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa – VietNam Dairy 2024 Các yếu tố nào hỗ trợ xuất khẩu của Vinamilk ‘bứt tốc’ nửa đầu 2024? |
Phát triển nhanh nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu
Qua nghiên cứu quá trình thực tế triển khai Quy hoạch phát triển Ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương đánh giá, ngành sữa Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp trong ngành không ngừng xây dựng, cải tiến, đổi mới thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến với mức độ sử dụng tự động hóa cao ngang tầm khu vực và thế giới nhằm cải thiện năng suất chế biến, chất lượng nguồn sữa cung cấp ra thị trường được nâng lên.
Ngành sữa đã sản xuất được nhiều sản phẩm khác nhau, đưa ra thị trường nhiều loại sản phẩm mới như sản phẩm sữa hữu cơ, sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt từ sữa… Tuy nhiên, hai mảng chính quyết định sự tăng trưởng của toàn ngành sữa cũng là hai mặt hàng quan trọng nhất chủ đạo hiện nay vẫn là sữa nước và sữa bột. Riêng tổng giá trị của hai mảng này đã chiếm gần 3/4 giá trị thị trường với sản lượng sữa tươi hiện đạt 1.500 nghìn lít, sữa bột đạt 138.000 tấn năm 2021.
Hiện nay các doanh nghiệp chế biến sữa trong ngành đã không ngừng đầu tư vào việc phát triển nguồn nguyên liệu sữa nước giúp ngành công nghiệp chế biến sữa trong nước phát triển ổn định và ngày càng lớn mạnh. Ngoài ra ngành sữa còn đầu tư nhằm mục tiêu tăng trưởng sản lượng sữa chế biến trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đây là mục tiêu đúng để ngành khai thác hết tiềm năng trong nước và phát triển bền vững.
Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho Chiến lược phát triển ngành sữa. Ảnh (minh họa): Chinhphu.vn |
Bên cạnh những thành quả đạt được, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cũng chỉ ra những điểm yếu của ngành sữa hiện nay. Trong đó, nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi và giá trị đầu tư chăn nuôi còn đang ở mức cao dẫn đến các sản phẩm sữa của Việt Nam có giá thành đắt hơn so với sản phẩm sữa cùng loại trên thế giới.
Ở nhiều địa phương, việc đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến còn mất cân đối với nguồn nguyên liệu, làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dẫn tới ngành chưa ổn định, chưa đảm bảo tính bền vững. Đóng góp của công nghiệp chế biến để làm tăng giá trị của sản phẩm sữa hàng hoá còn thấp.
Chất lượng và chủng loại sản phẩm chưa nhiều, giá trị gia tăng chưa cao, giá sữa xuất khẩu thường thấp hơn giá thị trường thế giới cùng loại 5-7%. Sản phẩm chế biến còn đơn điệu, việc đầu tư chế biến sâu, sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng sản lượng sản phẩm chế biến. Đặc biệt, các sản phẩm chế biến sau sữa còn hạn chế, mức đáp ứng được thị trường nội địa và xuất khẩu còn thấp.
Lộ trình phát triển mới cho ngành sữa
Trên cơ sở nghiên cứu điểm mạnh, điểm yếu của ngành sữa thời gian qua, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã xây dựng chiến lược phát triển mới cho ngành. Viện cũng vừa đăng tải toàn văn Dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, ngành sữa hướng đến mục tiêu chung nâng cao năng suất, tăng sản lượng sữa chế biến trên cơ sở phát huy các tiềm lực, lợi thế, theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế thông minh và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tổ chức sản xuất chế biến hàng hóa lớn, đa dạng, gia tăng giá trị, an toàn thực phẩm gắn liền với công nghiệp hóa, hiện đại hóa; giá thành cạnh tranh, xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; cải thiện đời sống vật chất tinh thần nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Cụ thể, giai đoạn đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành sữa bình quân hàng năm từ 4%-4,5%; giai đoạn đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 3-4%/năm.
Về sản xuất, ngành sữa tập trung đầu tư công nghệ tiên tiến ở quy mô công nghiệp, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong tất cả các khâu của quá trình phát triển nguồn sữa nguyên liệu đầu vào, công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm; chế biến tổng hợp, nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Đầu tư, khai thác triệt để lợi thế vùng sản xuất sữa nguyên liệu. Nghiên cứu phát triển nguồn cung thức ăn chăn nuôi, thay đổi phương pháp chăn nuôi truyền thống, tăng sản lượng sữa chế biến trong nước.
Sử dụng công nghệ số hóa trong quá trình sản xuất, chế biến để tăng cường hiệu suất và chất lượng sản phẩm, cũng như tối ưu hóa quy trình chế biến, quản lý và phân phối sản phẩm. Khuyến khích tái chế và sử dụng lại các sản phẩm bao bì đóng gói sữa để giảm bớt tác động đến môi trường và tăng cường tài nguyên tái sử dụng.
Chiến lược cũng nêu những định hướng cụ thể cho phát triển các sản phẩm sữa; doanh nghiệp ngành sữa; thu hút đầu tư cho phát triển ngành; thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp ngành sữa; phát triển nguồn nhân lực; thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ cho ngành …
Để hiện thực hóa những định hướng phát triển trên, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cũng đề xuất nhiều giải pháp.
Trong đó, các đơn vị chức năng tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển ngành sữa. Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua xây dựng mạng lưới thị trường bán sản phẩm sữa chế biến, tổ chức xây dựng hệ thống logistics kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp thu mua, chế biến với nhà phân phối…
Cùng đó, tăng cường thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ cho ngành sữa; phát triển nguồn nhân lực; phát triển bền vững và xanh hóa ngành sữa; xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm.
Riêng về phát triển nguồn cung ứng nguyên liệu cho sản xuất và chế biến sữa, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp sữa cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương các hộ cung cấp sữa để xây dựng vùng nguyên liệu cũng như cơ sở hạ tầng thu mua sữa nguyên liệu đảm bảo chất lượng ổn định, số lượng đủ cho công nghiệp chế biến.
Tăng cường liên kết kinh tế giữa các khâu, các bộ phận trong hệ thống sản xuất-chế biến-tiêu thụ, góp phần phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm sữa chế biến của Việt Nam.
Xây dựng các trung tâm sản xuất sữa nguyên liệu để hình thành vùng nguyên liệu lớn có thể áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nâng cao năng suất, sản lượng dễ dàng đầu tư khoa học công nghệ để phát triển ngành.
Nguồn: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-tiep-tuc-lay-y-kien-dong-gop-cho-chien-luoc-phat-trien-nganh-sua-347121.html