Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM, mã VEA) vừa công bố nghị quyết chi trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 41,869% (mỗi cổ phiếu sẽ nhận 4.186,9 đồng). Ngày chốt danh sách cổ đông đăng ký cuối cùng nhận cổ tức là 20/11. Thời gian thanh toán đợt chia cổ tức này dự kiến vào ngày 20/12.
Với 1,33 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VEAM dự kiến sẽ chi đến gần 5.570 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức lần này.
Theo danh sách cổ đông, Bộ Công Thương đang nắm giữ 1,175 tỷ cổ phiếu, tỷ lệ 88,47%. Như vậy, Bộ Công Thương sẽ nhận hơn 4.900 tỷ đồng cổ tức từ VEAM.
Theo báo cáo tài chính riêng công ty mẹ trong quý III/2023, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của VEAM đạt 1.116 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ do doanh thu hoạt động tài chính gồm cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị có góp vốn, lãi tiền gửi.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 7.743 tỷ đồng, tăng 33%. Trong đó, khoản lợi nhuận hơn 1.929 tỷ đồng ghi nhận từ cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị có góp vốn, lãi tiền gửi.
VEAM là doanh nghiệp hoạt động chính lĩnh vực sản xuất lắp ráp và kinh doanh ô tô, kinh doanh thương mại, đầu tư vốn vào các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực động cơ máy và nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, ô tô xe máy. Nhóm 4 công ty có doanh thu lớn đóng góp 80% cho VEAM là Disoco, Sveam, Futu1, Fomeco.
VEAM chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 40 – 50%/năm. Với số lượng cổ phiếu nắm giữ lớn, Bộ Công Thương nhận về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức mỗi năm từ VEAM.
Năm 2023, VEAM đặt mục tiêu doanh thu của công ty mẹ là 1.187 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 1% lên mức 5.694 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VEA có 2 phiên liên tiếp tăng giá và chốt phiên 3/11 ở mức 37.400 đồng/cp.
Thời gian gần đây, nhiều lãnh đạo, cựu lãnh đạo của VEAM đã bị khởi tố và lĩnh án do sai phạm. Tháng 9/2023, ông Hồ Mạnh Tuấn, từng giữ chức Phó Tổng giám đốc bị khởi tố. Đầu tháng 10, cựu giám đốc ông Nguyễn Thanh Giang tiếp tục bị khởi tố.